T2, 14/10/2024 02:10

Phát triển thuỷ sản bền vững và chuyên môn hoá hợp tác xã

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đó là chủ đề chính buổi tham vấn diễn ra vào sáng ngày 10/10, do UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và Tổ chức Stichting Agriterra Việt Nam (Agriterra) tổ chức. Tham dự buổi tham vấn còn có hơn 100 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt nam, Cục Thuỷ sản, doanh nghiệp, cùng các tổ chức quốc tế và đại diện các sở, ngành, HTX của 4 tỉnh tham gia dự án, gồm: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ông Châu Văn Hoà – Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, bà Ingrid Korving – Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Hà lan tại Việt Nam và bà Lê Thị Thu Hiền – Trưởng đại diện Tổ chức Agriterra đồng chủ trì buổi tham vấn.

Đại diện các tổ chức quốc tế tham dự buổi tham vấn 

Trong bài phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Châu Văn Hòa, cho rằng buổi tham vấn hôm nay cùng việc triển khai 02 dự án đề án: Phát triển bền vững ngành thủy sản khu vực ĐBSCL (tôm, cá tra, nghêu) giai đoạn 2026 – 2030 và dự án “Nâng cao tính chuyên nghiệp cho các HTX thủy sản khu vực ĐBSCL giai đoạn 2024 – 2026 tại 04 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau là hết sức phù hợp và cần thiết, bởi ĐBSCL không chỉ là khu vực trung tâm sản xuất thủy sản của Việt Nam, mà còn là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của các tỉnh, là nguồn sinh kế của hàng triệu người dân nơi đây. Vì vậy, với việc có thêm sự hỗ trợ của Tổ chức Agriterra là cơ hội để ngành thuỷ sản phát triển hiệu quả và bền vững hơn nữa, năng lực quản lý, điều hành của các HTX thuỷ sản sẽ ngày càng tốt hơn. 

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên Minh HTX Việt Nam phát biểu kết luận buổi tham vấn

Tại các phiên thảo luận, đại biểu tập trung đề xuất giải pháp, thống nhất cách tiếp cận và giải pháp chung nhằm thúc đẩy tính bền vững cho ngành thủy sản khu vực ĐBSCL giai đoạn 2024 – 2030; làm rõ vị trí, vai trò, cơ hội và thách thức của nông dân, HTX xã trong ngành thủy sản khu vực; thống nhất cách tiếp cận về nâng cao tính chuyên nghiệp cho các HTX thủy sản; đề xuất giải pháp hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp – Nhà nước và nông dân (HTX) trong phát triển bền vững ngành thủy sản ĐBSCL. Qua các tham luận, thảo luận, các đơn vị liên quan cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo hướng bền vững về nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường nhằm mang lại lợi ích dài hạn cho nông dân…

Đông đảo đại biểu đến từ các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng thuỷ sản tham dự buổi tham vấn

Phát biểu kết luận buổi tham vấn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết ngành nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL chiếm khoảng 70% trong tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn quốc, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn đến từ: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khả năng tiếp cận tài chính, sự hạn chế về năng lực quản trị của HTX và nhất là vấn đề thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường, môi trường ngày càng suy thoái cũng như chuỗi giá trị bị phân mảnh… Do đó, các báo cáo tham luận, các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại sự kiện này một lần nữa khẳng định các cam kết chung của các bên liên quan trong chuỗi giá trị thuỷ sản trong việc thúc đẩy bền vững của ngành nuôi thủy sản tại ĐBSCL thông qua các giải pháp đổi mới, quan hệ đối tác chiến lược và hành động tập thể. Đồng thời, nhận diện rõ hơn các điểm yếu cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp nâng cao năng lực, cải thiện tính chuyên nghiệp của HTX, tăng cường khả năng chống chịu và khẳng định vị thế của HTX trong toàn chuỗi.

Được biết, Dự án Hỗ trợ nâng cao tính chuyên nghiệp cho các HTX thủy sản bền vững tại ĐBSCL (MACIB-SAM 2630), dự kiến sẽ chính thức khởi động vào năm 2025, với mục tiêu giải quyết những thách thức kể trên thông qua việc trao quyền cho các HTX, nâng cao năng lực tiếp cận nguồn lực tài chính và cải thiện hoạt động thực hành bền vững trong sản xuất và tiếp cận thị trường có giá trị gia tăng cao.  

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!