Tổng diện tích có thể nuôi thả thủy sản của Thanh Thủy hiện nay khoảng trên dưới 1.290ha, trong đó diện tích nuôi chuyên là 435ha. Tổng sản lượng đánh bắt hàng năm chỉ đạt khoảng trên 1.800 tấn. Người dân ở một số xã như Đoan Hạ, Hoàng Xá, Sơn Thủy… cũng đã có kinh nghiệm trong việc nuôi thả, chăm sóc các loại cá, tôm.
Tuy nhiên, năng suất thủy sản toàn huyện lại vào mức dưới trung bình so với toàn tỉnh. Năm 2011, năng suất thủy sản của huyện chỉ đạt khoảng 1,7 tấn/ha/năm. Làm thế nào để tăng năng suất thủy sản của toàn huyện, khai thác tối đa diện tích mặt nước để mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi thả đang là bài toán chưa tìm được đáp số.
Mặc dù tiềm năng khá lớn nhưng năng suất và sản lượng thủy sản của huyện Thanh Thủy chỉ ở mức trung bình so với nhiều địa phương trong tỉnh.
Ông Thiều Quang Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy cho biết: Muốn nâng cao năng suất thủy sản của Thanh Thủy chỉ có biện pháp hướng dẫn người dân đầu tư, nuôi thâm canh và có nguồn con giống đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đang tham gia nuôi thả thủy sản ở Thanh Thủy vẫn chủ yếu nuôi theo lối quảng canh, chưa có sự đầu tư chăm sóc. Riêng nguồn cung cấp giống của Chi cục Thủy sản và các trại ương, ươm nuôi cá bột vệ tinh chưa đáp ứng được nhu cầu nên phần lớn các hộ vẫn mua ngoài thông qua các mối quen hoặc của thương lái nên các tiêu chuẩn chất lượng chưa được đảm bảo.
Thanh Thủy là huyện nằm trong vùng trọng điểm phát triển thủy sản của tỉnh, có nguồn sinh thủy lớn, một số hồ đập có diện tích lớn thuận tiện cho việc đầu tư theo hướng nuôi thâm canh, nhiều địa phương có truyền thống và kinh nghiệm trong việc nuôi thả thủy sản. Trên địa bàn huyện cũng đã có trại giống chuyên ương, ươm cá bột ở xã Sơn Thủy, hàng năm cung cấp khoảng trên 20 triệu cá bột chủ yếu là các giống truyền thống như trôi, mè, chép, rô phi…Nhiều hộ cũng đã và đang tiếp tục học tập kinh nghiệm kỹ thuật để mở rộng diện tích ương nuôi cá bột có thể cung cấp nguồn cá giống đảm bảo chất lượng cho các hộ có nhu cầu của huyện và vùng phụ cận.
Đoan Hạ, Sơn Thủy, Hoàng Xá là những xã có truyền thống nuôi thả thủy sản lâu đời, có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển thủy sản. Đây cũng là vùng trọng điểm phát triển thủy sản của huyện. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu phát triển thủy sản vẫn cần phải tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản, UBND huyện đã giao cho phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị như Khuyến nông, Thú y… thông tin chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, thủy sản; các phương pháp phòng trừ bệnh, kỹ thuật chăm sóc thủy sản… đến các khu dân cư, đặc biệt là các xã có diện tích thủy sản lớn.
Mặc dù đặt mục tiêu tiếp tục đưa năng suất thủy sản của huyện tăng cao nhưng theo hướng đầu tư chiều sâu từ khâu ao hồ đến giống, chăm sóc, bảo vệ; trong đó sử dụng một số loại giống cá có giá trị kinh tế cao như nheo, trắm đen… Việc tăng diện tích nuôi thả thủy sản, đặc biệt là dồn điền đổi thửa các chân ruộng trũng một vụ để đào ao thả cá sẽ hạn chế đến mức tối đa (diện tích thật sự kém hiệu quả vẫn sẽ được chuyển sang nuôi thủy sản nhưng cần được thẩm định kỹ).
Một số hộ làm nghề nuôi thả cá ở xã Sơn Thủy cho biết họ rất cần được vay vốn với lãi suất thấp, thời gian kéo dài hơn hiện nay để có thể đầu tư chiều sâu tu bổ, cải tạo hệ thống ao, hồ, nuôi thả như thâm canh trong nghề trồng trọt bởi đối với nghề thủy sản phải sau 2,3 năm mới bắt đầu có lãi. Ngoài ra, trong một vài năm gần đây, giá cá thành phẩm, đặc biệt là các loại cá truyền thống có xu thế giảm nên họ rất cần có các thông tin, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật về các loại thủy sản có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, có nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý.
Mong muốn của những hộ nuôi thả thủy sản cũng là hướng đi để tháo gỡ khó khăn, nhằm đưa ngành thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thanh Thủy đạt được những kết quả tốt hơn. Tất nhiên, không thể chỉ trong thời gian ngắn sẽ đạt được hiệu quả ngay nhưng trong tương lai cũng là một trong những biện pháp góp phần phát triển thủy sản bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Thanh Thủy.