(TSVN) – Ngày 14/2/2023, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Nghề nuôi biển, chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”.
Hội thảo này là một sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững – Đẩy mạnh nuôi trồng” do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ tháng 10/2022 với sự đồng hành của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank).
Tham dự hội thảo có ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên; lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; lãnh đạo báo Tuổi Trẻ cùng đại diện các Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành ven biển miền Trung, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong nước.
Việt Nam được cho là còn nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển. Ảnh: ST
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh: “Ngành thủy sản đã góp phần tạo thêm thương hiệu quốc gia cho Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Có thể nói Việt Nam đã trở thành một trong những “vựa thủy sản” lớn của thị trường toàn cầu”.
Trước đây, thật khó hình dung con tôm có thể mang về cho nước ta hơn 4 tỷ USD, cá tra gần 2,5 tỷ USD… Hai mặt hàng chủ lực này đạt được trong năm 2022 chủ yếu từ nguồn nuôi trồng, chứ không phải từ khai thác cho thấy ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Đó là hướng phát triển căn cơ, lâu dài đã được xác định thành slogan “khai thác bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng”.
Tại hội thảo, các đại biểu từ cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc cần phải thay đổi chính sách nuôi trồng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là nghề nuôi biển, nguyên nhân chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp, tháo gỡ một số điểm nghẽn để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam; ứng dụng khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ hướng tới nuôi biển bền vững… với sự tham gia thảo luận của các nhà làm chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, các thành phần trong xã hội để gia tăng sản lượng thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết hiện nay cả thế giới đang tiến ra nuôi biển xa bờ và cả nuôi biển trên đại dương, ứng dụng công nghệ hiện đại và mở rộng quy mô. Kiểm soát nghiêm ngặt quy trình khép kín chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững. Có thể nói đây là ngành sản xuất thực phẩm quy mô lớn, đòi hỏi sự đầu tư và ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ. Tuy nhiên tại Việt Nam, quá trình nuôi trồng thủy sản trên biển cũng gặp phải một số bất cập như thiếu quy hoạch, vướng mắc thủ tục giao biển, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá, công nhận.
Có mặt tại hội thảo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang chia sẻ liên kết khoa học với doanh nghiệp hiện nay đang rất yếu. Nên có 3 vấn đề quan trọng cần chú ý là không nên trông đợi vào nhà khoa học và doanh nghiệp mà người dân, những người nuôi trồng phải sẵn lòng thực hiện. Đối với vấn đề quản lý môi trường vùng nuôi không chỉ nhà nước thực hiện mà chính cộng đồng và người nuôi phải quan trắc môi trường. Muốn đi đến đích phải làm và làm từ những cái rất nhỏ. Và một trong những lĩnh vực quan trọng trong nuôi biển đó chính là nuôi thiên nhiên. Nuôi thiên nhiên chính là gắn với bảo tồn.
Về phía đại diện Bộ NN&PTNT, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết trong thời gian tới Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát sửa đổi các chính sách liên quan đến việc giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản; lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch không gian biển, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, đối với địa phương vùng biển 3 hải lý trở lại là thuộc thẩm quyền của UBND huyện nên địa phương cứ xúc tiến làm mà không phải đợi chính sách từ Bộ hay Trung ương. Chọn mô hình phù hợp gắn với du lịch tại địa phương. Hỗ trợ thành lập Hợp tác xã hay Tổ hợp tác để bà con liên kết với nhau hoạt động sản xuất theo chuỗi khai thác tiềm năng lợi thế hiện có của địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ái Trinh