(TSVN) – Sáng ngày 8/8 tại Phú Yên, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên tổ chức diễn đàn “Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm”, trong đó nội dung chủ đạo là phấn đấu đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực vào năm 2030.
Tại diễn đàn, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã báo cáo về tổng quan tình hình nuôi và xuất khẩu tôm hùm; tình hình nhập khẩu và kiểm dịch giống tôm hùm; kết quả nuôi và xuất khẩu tôm hùm.
Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm phát triển tập trung tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chiếm hơn 95% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng nuôi cả nước. Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ; chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất. Các địa phương thiếu quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại các vùng nuôi, điều này dẫn đến việc quản lý, cấp phép nuôi tôm hùm bằng lồng, bè gặp khó khăn.
Toàn cảnh Diễn đàn Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm. Ảnh: Đức Huy.
Khoảng 90% tôm hùm nuôi ở Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên nhiều người nuôi vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường này. Không chỉ vậy, môi trường và dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ngày càng phức tạp; chưa có thức ăn công nghiệp cho tôm hùm.
Riêng tại Phú Yên, nuôi trồng chiếm khoảng 56% giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh. Trong đó, nghề nuôi tôm hùm lồng bè đã tạo sinh kế ổn định và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, thu nhập và đời sống của các gia đình chuyên nuôi tôm hùm được nâng cao. Sản lượng tôm hùm nuôi hàng năm ở Phú Yên khoảng 2.000 tấn với giá trị hơn 1.500 tỉ đồng.
Các đại biểu tham dự diễn đàn “Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm” đã thảo luận về vấn đề nuôi tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, công nghệ nuôi tôm hùm trong bể xi măng, nuôi tôm hùm trên biển bằng lồng HDPE, phòng ngừa bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm, các điểm nghẽn về xây dựng chuỗi giá trị tôm hùm và vấn đề thị trường…Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận kế hoạch xây dựng thương hiệu tôm hùm để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhằm thực hiện thành công kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, phấn đấu đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực vào năm 2030.
Thùy Khánh