(Tạp chí Thủy sản VN) – Trước sự phát triển chóng mặt và khả năng thâm nhập thị trường mạnh mẽ của con cá tra Việt Nam, phía Mỹ đã có nhiều động thái nhằm bảo hộ ngành công nghiệp cá da trơn nước nhà, trong đó áp thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam là một động thái bất công gây nhiều tranh cãi.
Bản chất
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có quyết định về kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần 6 (1/8/2008 đến 31/7/2009) đối với thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Theo quyết định này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra fillet đông lạnh.
Quyết định của DOC ra đời bởi sự vận động vụ lợi của Hiệp hội chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA). Năm 2002, các doanh nhân Mỹ phân phối cá tra Việt Nam đã quảng bá cá tra thuộc nhóm cá catfish (cá da trơn). Với ưu thế giá rẻ, cá tra đã chiếm rất nhiều thị phần truyền thống của cá nheo. Bởi vậy, CFA đã kiện đòi không được gọi cá tra là catfish.
Mặc dù không dán nhãn catfish, cá tra Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng thị trường tiêu thụ tại Mỹ. Từ năm 2008 đến nay, CFA lại vận động Bộ Nông nghiệp Mỹ coi cá tra cũng là catfish, trái với những điều mà CFA đã nói trước đây. Dự định của CFA là sẽ lấy giá bán của cá nheo (vốn cao gấp hàng chục lần cá tra) để yêu cầu áp thuế chống bán phá giá cá tra.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã bác bỏ đề nghị đưa cá tra vào nhóm catfish. Bởi vậy, CFA giở “bài” khác, là vận động DOC chuyển nước thay thế là Bangladesh sang lấy Philippines để tính thuế chống bán phá giá. Đứng đằng sau CFA là những thượng nghị sĩ rất có thế lực ở 4 bang miền Nam của nước Mỹ – đó là các bang rất mạnh về nuôi cá nheo, nên họ gây sức ép với DOC.
So sánh khập khiễng
Đối với ngành thủy sản Việt Nam, sản lượng do các doanh nghiệp nhà nước sản xuất chiếm chưa tới 1% thị phần. Nhưng Mỹ cho rằng, vẫn có những yếu tố không phải do doanh nghiệp quyết định như giá than, giá điện… còn nông dân nuôi cá, tư nhân 100%, nhưng vì nuôi trên đất Việt Nam thì họ vẫn coi đó là phi thị trường. Bởi vậy, khi tính giá thành để so sánh với giá bán, Mỹ lấy một nước khác được coi là có nền kinh tế thị trường để thay thế trong tính toán. Lần này, Mỹ lấy Philippines.
Ngành cá tra của Philippines rất nhỏ lẻ và sơ khai, mỗi năm chỉ sản xuất được 12 tấn cá tra. Trong khi đó, Việt Nam có sản lượng cá tra năm 2008 đạt 1,5 triệu tấn, năm 2009 đạt 1,2 triệu tấn, cao gấp 100 nghìn lần Philippines. DOC tính rằng giá thành cá tra sống của Philippines là 2,38 USD/kg, trong khi giá thành nuôi ở nước ta chỉ là khoảng 0,8 USD/kg.
DOC dựa vào số liệu 36 ao nuôi cá (tổng sản lượng 12 tấn cá) tại Philippines để tính toán giá cá tra nguyên liệu và không đưa ra bằng chứng rõ ràng về việc ngành cá tra Philippines đã được cải thiện, phù hợp hơn Bangladesh mà DOC đã liên tục sử dụng làm giá trị thay thế đối với cá tra Việt Nam 5 năm qua.
Chính vì sự khập khiễng đó, VASEP đã yêu cầu DOC thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam như trước.
Nếu quyết định của DOC được thông qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh
Cá tra của Việt Nam sẽ phải chịu thuế phi lý – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Lợi bất cập hại
Nếu chịu thuế chống bán phá giá hơn 100% theo quyết định của DOC, nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nộp tiền thuế cao hơn cả tổng doanh thu bán hàng.
Việt Nam có ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất trên thế giới (trên 1,2 triệu tấn nguyên liệu/năm). Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu nông dân nuôi cá tra Việt Nam, đồng thời gây thiệt hại trực tiếp người tiêu dùng và đe dọa việc làm của hàng vạn người lao động Mỹ liên quan đến sản phẩm cá tra nhập khẩu.
Mặt khác, việc Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu bằng hàng rào thuế thì họ không những không hưởng lợi bao nhiêu mà kèm theo là thiệt hại lớn hơn những đồng tiền thuế chống bán phá giá thu được. Nếu Mỹ cứ áp thuế thì doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn phát triển, vẫn bán vào thị trường Mỹ nghiêm túc thì họ không lợi gì cả. Bởi quyền lợi của Mỹ không chỉ là những trang trại nuôi cá da trơn, những ghe thuyền đánh bắt tôm mà còn có cả nhà phân phối, người tiêu dùng và nhìn rộng ra là thị trường Mỹ.
Việt Nam cần mạnh tay
Hiện nay, Bộ NN&PTNT, VASEP và các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp thông qua các hoạt động pháp lý cần thiết để yêu cầu DOC thay đổi quyết định theo luật pháp Mỹ, cũng như các thỏa thuận của WTO.
VASEP đang thu thập và cung cấp cho DOC những bằng chứng nhằm thuyết phục DOC thay đổi khi ra quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó thực hiện một chiến lược truyền thông, nhất là giới truyền thông Mỹ, vận động sự tham gia, từ người tiêu dùng Mỹ.
Văn phòng Chính phủ đã chuyển công hàm cho phía Mỹ phản đối việc áp thuế chống bán phá giá. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã gặp Đại sứ Mỹ để bày tỏ sự quan ngại. VASEP đã cử hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất đến Mỹ để cùng với luật sư bên Mỹ bàn bạc kế hoạch triển khai vụ kiện.
Về lâu dài, Việt Nam cần phải quy định giá sàn xuất , giá nguyên liệu cá tra song song với việc kiểm soát và bình ổn giá thức ăn thủy sản, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro với người nuôi trồng.
“Cuộc chiến” cá tra Việt Nam – DOC:
– Ngày 15/9: DOC đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 6 về thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam
– Tại Washington D.C, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với một số quan chức Mỹ, bày tỏ sự lo ngại trước động thái này của DOC.
– Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ đề nghị “DOC nên xem xét lại cách lựa chọn nước thay thế cũng như xem lại các giải trình của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam một cách khách quan, công bằng”.
– Ngày 16 và 17/9: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã gặp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak nhằm bày tỏ sự quan ngại về chuyện DOC và cá tra Việt Nam đồng thời thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam đối với việc tăng thuế chống bán phá giá cá tra mà DOC dự kiến áp dụng.
– Ngày 17/9: VASEP họp báo về sự kiện cá tra Việt Nam và DOC
– Ngày 5/10/2010: Hạn cuối cùng để các bên nộp những tư liệu về giá trị thay thế, số liệu về xuất khẩu cá tra của từng doanh nghiệp Việt Nam.
– Ngày 20/10/2010: Thời hạn cuối cùng để nộp các bản phản biện cùng ý kiến của các bên.
– Dự kiến tháng 11/2010: Phiên họp hai bên.
– Dự kiến tháng 3/2011: Có kết quả cuối cùng.
Thu Hiền