Philippines: Hạn chế thất thoát trứng trong trại sản xuất tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trứng từ tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh đã được chứng minh là vẫn có thể trở nên khỏe mạnh nếu như có những biện pháp khử trùng đúng cách. Điều này đã giúp một cơ sở sản xuất tôm giống lớn thay đổi quy trình và tăng tỷ lệ sống ở các ấu trùng một cách đáng kể.

Năm 2018, tại trại sản xuất tôm giống của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á(SEAFDEC/AQD) ở Iloilo, trứng từ tôm bố mẹ nếu như được xác định là đã bị nhiễm bệnh sẽ được khử trùng ngay lập tức bằng Clo và đem đi tiêu hủy để duy trì hệ sinh thái tôm.

Trại giống sẽ sử dụng các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để kiểm tra tôm bố mẹ nhằm loại bỏ kịp thời các cá thể nhiễm virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) và mắc bệnh còi (MBV), bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), bệnh đầu vàng (YHV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Tuy nhiên, việc loại bỏ từ 200.000 – 1 triệu con mỗi lứa là một con số quá lớn. TS. Leobert de la Peña từ SEAFDEC/AQD đã bắt đầu thử nghiệm việc khử trùng trứng nhiễm bệnh và phát hiện ra có thể giúp các con post sạch bệnh từ những con tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh.

Trong một cuộc họp báo gần đây, TS. Leobert đã miêu tả quá trình khử khuẩn như sau: Đầu tiên, thu thập trứng và rửa chúng trong nước biển được khử trùng bằng tia cực tím (tia UV), sau đó tiếp tục khử trùng bằng i-ốt trước khi rửa lại bằng nước biển tiệt trùng.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã khuyến nghị rằng trứng tôm và nauplius (ấu trùng tôm), phải được rửa sạch và khử khuẩn đúng cách để loại trừ khả năng lây truyền vi khuẩn, virus, nấm và các bệnh khác từ tôm bố mẹ.

Tôm sú giống được sản xuất tại SEAFDEC/AQD đặt tại Tigbauan, Iloilo. Ảnh: RD Dianala

Hiện nay, các lứa trứng từ tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh sau khi được khử trùng đã trở nên khỏe mạnh, giúp cho trại thử nghiệm giống đạt tỷ lệ sống sót lên tới 19% (từ nauplius cho tới giai đoạn hậu ấu trùng) vào năm 2020. Trước khi thực hiện thí nghiệm, con số này chỉ dừng lại ở 9% vào năm 2018.

Việc khử trùng thành công đã giúp cho trại tôm giống thử nghiệm giảm thiểu lãng phí từ việc tiêu hủy tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh và trứng. Tại Philippines, một con tôm giống có giá từ 31 – 42 USD, trứng đã phát triển tới giai đoạn hậu ấu trùng có giá từ 4 – 5 USD/1000PLs

Giải pháp này ngày càng quan trọng khi số lượng tôm giống hoang dã được các cơ sở thu mua bị nhiễm WSSV đang tăng. TS. Leobertgiải thích rằng: “Khoảng tầm giữa những năm 2000, chúng tôi đã biết được rằng sẽ có khoảng từ 0,3 – 10% tôm hoang dã bị lây nhiễm WSSV. Gần đây, chúng tôi còn phát hiện ra có khoảng 60% tôm giống đã bị lây nhiễm sau khi kiểm tra”.

Phục hồi tôm sú tại Philippines

Cơ sở sản xuất tôm giống SEAFDEC/AQD là trung tâm của chương trình Oplan Balik Sugpo được bắt đầu vào năm 2017 do Giám đốc Dan Baliao khởi xướng nhằm tăng khả năng sản xuất tôm giống chất lượng cao và hồi phục nền công nghiệp tôm sú tại quốc gia này.

Philippines đã từng là một trong những nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới, thu hoạch tới 120,000 tấn vào năm 1992 với giá trị 300 triệu USD vào thời điểm đó (khoảng 571 triệu USD theo lạm phát). Thế nhưng, do ảnh hưởng của nhiều loại dịch bệnh, việc sản xuất tôm sú hiện tại chỉ còn đạt khoảng 1/3 so với năm 1992 với sản lượng khoảng 42,450 tấn.

Leobert chia sẻ rằng: “Công nghệ trong nuôi tôm đang phát triển và chúng ta cần phải thích ứng với mọi trường hợp có thể xảy ra”. Giám đốc Baliao cũng cho biết SEAFDEC/AQD đang cải thiện chính sách và công nghệ để hợp tác với các cơ quan chính phủ Philippines trong tương lai như là Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản (DA-BFAR) và Viện Phát triển Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản Quốc gia (NFRDI).

Thành Long

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!