Philippines: Mở rộng tiềm năng nuôi tôm mũ ni

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á, Cục NTTS (SEAFDEC/AQD) ở Philippines đang đánh giá những tiềm năng nổi bật của nuôi tôm mũ ni trong NTTS bền vững và phù hợp với ngân sách.

Nhiều tiềm năng phát triển

Tôm mũ ni (Thenus orientalis), hay còn được biết đến với cái tên pitik-pitik tại Philippines, không nổi tiếng như những người anh em như tôm hùm ma hay loài banagan, và cũng không phải là tôm hùm có những chiếc càng “thực sự” của Bắc Đại Tây Dương. Do đó, giá cả tôm mũ ni dao động 9,45 – 13,23 USD/kg tại Philippines, thấp hơn nhiều so với mức giá 28,35 – 113,42 USD/kg đối với tôm hùm ma sống. So sánh với các loài tôm khác, tôm mũ ni luôn được đón nhận trong các thực đơn hải sản và là món ngon địa phương được săn lùng. Đây cũng là những tiềm năng tốt khuyến khích nuôi bền vững loài tôm này.

Hiện nay, tôm hùm nói chung chủ yếu được bắt bằng bẫy hoặc do thợ lặn bắt bằng tay. Do giá trị cao nên đã xảy ra việc khai thác bừa bãi, đặc biệt là ở tôm hùm ma, đã khiến Bộ Nông nghiệp Philippines phải thiết lập các hạn ngạch thu hoạch và giao dịch vào năm 2020.

Tôm mũ ni hiện là một trong những loài tôm hùm được “săn đón” ở Phillipines. Ảnh: JF Aldon

Do đó, việc mở rộng ngành công nghiệp nuôi tôm hùm được đặt vấn đề. Tuy nhiên, việc không có các trại giống khả thi để sản xuất tôm hùm giống là một rào cản lớn cho sự phát triển của ngành hàng này. Hiện tại, các cơ sở nuôi tôm hùm vẫn phụ thuộc vào việc ngư dân cung cấp con giống có nguồn gốc tự nhiên dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý.

Việc nhân giống và sản xuất tôm hùm ma đã được tích cực theo đuổi trong nhiều thập kỷ; tuy nhiên, giống tôm hùm này phát triển chậm và quá trình phát triển ấu trùng phức tạp, khiến việc nghiên cứu khó khăn về mặt kỹ thuật. Đây cũng là một lý do khiến tôm mũ ni giá cả phải chăng hơn nhận được nhiều kỳ vọng của những người nuôi biển và các nhà nghiên cứu NTTS.

Trong khi tôm hùm ma mất thời gian phát triển ấu trùng lên đến 300 ngày, thì ấu trùng tôm mũ ni chỉ cần 30 ngày. Ngoài ra, tôm hùm ma trải qua 11 giai đoạn phát triển ấu trùng thì tôm mũ ni chỉ có 4.

Nhìn thấy tiềm năng to lớn trong sản xuất tôm mũ ni, các nhà nghiên cứu tại SEAFDEC/AQD đã bắt tay vào phát triển kỹ thuật sản xuất giống tại Philippines.

Theo TS. Shelah Mae Ursua, Trưởng dự án tại SEAFDEC/AQD, nhóm nghiên cứu chọn loài tôm mũ ni ngoài việc giai đoạn ấu trùng ngắn hơn mà còn vì ấu trùng loài này cũng cứng hơn tôm hùm ma. Ngoài ra, thời gian nuôi của tôm mũ ni từ khi nở đến khi đạt kích cỡ thương phẩm là 14 – 16 tháng, nhanh hơn nhiều so với 22 – 24 tháng của loài tôm hùm ma.

Những thành công đầu tiên

Tháng 4/2021, Tiến sĩ Ursua đã bắt đầu chuyển các con giống từ Đảo Negros đến các cơ sở thí nghiệm của SEAFDEC/AQD ở Tigbauan, Iloilo để tiến hành nhân giống.

Đến tháng 9/2021, tôm hùm mang trứng bắt đầu ấp nở. Tháng 10/2021, một con tôm mũ ni đã đẻ ra hàng nghìn quả trứng tạo điều kiện cho ấu trùng phyllosoma nở. “Với việc sinh sản và nở trứng gần đây của tôm mũ ni, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhân giống thành công tôm mũ ni trong phòng thí nghiệm. Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn đầu tiên hoàn thành vòng đời trong điều kiện nuôi nhốt”, TS. Leobert de la Peña, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại SEAFDEC/AQD, cho biết.

Hướng tương lai

Tôm mũ ni vẫn đang tiếp tục được ấp nở tại phòng thí nghiệm của TS. Ursua. Nhóm của bà hiện đang nghiên cứu cách tốt nhất để nuôi ấu trùng phyllosoma, duy trì chất lượng nước và cho chúng ăn thức ăn thích hợp trước khi chúng được nuôi trong ao ươm và lồng nuôi thương phẩm.

“Giai đoạn ương ấu trùng là giai đoạn thử thách nhất trong quá trình phát triển vòng đời. Sau khi nuôi thành công ấu trùng phyllosoma, con giống do trại sản xuất sẽ được sử dụng để chạy thử nghiệm trong nuôi thương phẩm tôm mũ ni”, TS. Leobert de la Peña chia sẻ thêm.

Giám đốc SEAFDEC/AQD Dan Baliao khen ngợi dự án của Tiến sĩ Ursua vì những bước tiến mà họ đã đạt được trong vòng 2 năm kể từ khi dự án tôm mũ ni được triển khai với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác của Chính phủ Nhật Bản (GOJ-TF). Dự án sẽ tiếp tục cho đến năm 2024. “Với việc sinh sản và ấp nở gần đây của tôm mũ ni, chúng tôi đã có thể chuẩn hóa các quy trình trong giai đoạn ương giống loài tôm này”, ông Baliao nói thêm.

Sayaka Ito, Phó Giám đốc SEAFDEC/AQD, cũng cho biết nghiên cứu về tôm mũ ni rất quan trọng trong việc thúc đẩy loài hải sản này như một ngành NTTS của địa phương và mở ra nhiều cơ hội sinh kế mới.

Cho đến nay, ngành nuôi tôm hùm thành công nhất là ở Việt Nam, nơi ước tính có khoảng 1.600 tấn tôm hùm ma, trị giá 120 triệu USD, được nuôi năm 2016.

Ông Baliao cho biết: “Mặc dù sản lượng nuôi tôm hùm phụ thuộc vào con giống tự nhiên, nhưng đây là nguồn sinh kế đáng kể cho một số cộng đồng ven biển ở Indonesia và Việt Nam. Nếu chúng ta thành công trong việc sản xuất hàng loạt con giống, chúng ta có thể cung cấp bền vững và đóng góp to lớn vào việc sản xuất tôm hùm ổn định”.

Tuệ Nhi

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!