(TSVN) – “Rong biển rất quan trọng đối với chúng tôi vì nó mang lại niềm vui khi chúng tôi trồng chúng”, bà Melinda Gimotea, một nông dân trồng rong biển ở Tây Nam tỉnh Palawan, Philippines chia sẻ. Bà Gimotea khẳng định, việc trồng rong biển xây dựng ý thức cộng đồng và củng cố mối quan hệ gia đình, vì nó tạo cơ hội cho các thành viên trong cộng đồng kết nối với nhau.
Tại làng Balintang, gia đình bà Gimotea đã trồng rong biển 3 thập kỷ qua, thu nhập 445 – 534 USD mỗi chu kỳ sản xuất. Bà mẹ 5 con này cho biết, việc trồng rong biển đã giúp gia đình bà có thể nuôi 2 con học đại học và mua được những thứ tương đối xa xỉ như tủ lạnh, tivi.
Ở Philippines, hơn 200.000 gia đình ven biển như gia đình bà Gimotea tham gia vào việc trồng rong biển thương mại – lần đầu tiên được giới thiệu ở nước này vào đầu những năm 1970. Năm thập kỷ sau, Philippines nổi lên là nhà sản xuất thực vật thủy sinh lớn thứ 4 thế giới, trong đó có rong biển. Năm 2020, Philippines sản xuất 1,63 triệu tấn thực vật thủy sinh (rong biển đạt 1,48 triệu tấn), chiếm 4,56% tổng sản lượng 35,7 triệu tấn thực vật thủy sinh của thế giới (32,4 triệu tấn rong biển). Rong biển của Philippines được xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga và Bỉ.
Gia đình bà Gimotea đã trồng rong biển 3 thập kỷ qua. Ảnh: Mongabay
Với cộng đồng ven biển, nuôi trồng rong biển đã chứng minh được giá trị như một giải pháp giúp giải quyết nghèo đói và các vấn đề môi trường, chẳng hạn như đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và suy thoái chất lượng môi trường sống của các sinh vật biển đang bị đe dọa. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu gây ra các bệnh trên rong biển lại đang trở thành mối đe dọa đối với ngành công nghiệp này, khiến bà Gimotea và nhiều người khác lo lắng về tương lai của gia đình họ.
Coi sản xuất rong biển là một trong những mặt hàng nuôi trồng thủy sản quan trọng nhất của Philippines, Chính phủ nước này đã hỗ trợ cả về vật chất lẫn kỹ thuật cho các cộng đồng như Balintang. Nhà nông học Romeo Cabungcal ở tỉnh Palawan cho biết: “Để tăng cường sản xuất rong biển, chúng tôi tiến hành đào tạo nâng cao năng lực với cộng đồng và cung cấp cho họ vật liệu trồng trọt”.
Các quan chức địa phương cho biết, nghề trồng rong biển không chỉ giúp cải thiện điều kiện kinh tế xã hội của các gia đình ở làng Balintang mà còn giúp phục hồi vùng biển ven bờ khỏi các mối đe dọa từ đánh bắt IUU.
Bà Pacita Bravo, điều phối viên nông nghiệp của chính quyền thành phố nói: “Những người nông dân trồng rong biển hầu như ra khơi hàng ngày để kiểm tra trang trại. Sự hiện diện này giúp giảm thiểu tình trạng đánh bắt IUU vì họ báo cáo với chính quyền bất cứ khi nào có người vi phạm”.
Nhiều năm qua, bà Gimotea và những người phụ nữ khác làm nghề trồng rong biển trong làng đã có được những vụ thu hoạch hiệu quả. Nhưng kể từ năm 2021, họ nhận thấy ảnh hưởng của những thay đổi trong các hình thái thời tiết địa phương và điều kiện môi trường do biến đổi khí hậu.
Bờ biển Balintang. Ảnh: Mongabay
Cuối năm 2021, cơn bão Rai đã quét sạch các trang trại trồng rong biển. Ngay khi nông dân bắt đầu phục hồi lại thì một mùa khô nóng hơn bình thường lại đến khiến dịch bệnh bùng phát. Bà Gimotea cúi xuống, nhúng tay xuống biển nắm lấy một dây rong biển trong trang trại của người hàng xóm bị ảnh hưởng bởi bệnh trắng nhũn thân.
Ông Joseph Faisan Jr., nhà nghiên cứu rong biển thuộc Phòng Nuôi trồng Thủy sản của Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á (SEAFDEC) giải thích: “Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra khiến các trang trại trồng rong biển dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của điều kiện môi trường, đặc biệt là ở các khu vực ven biển nơi có nhiệt độ cao hoặc độ mặn thấp. Đây là lý do tại sao nông dân nên xem xét chuyển các trang trại sang các khu vực sâu hơn, nơi có điều kiện môi trường ổn định”.
Ông Faisan cho rằng, đây là điều đáng lo ngại khi có thể ảnh hưởng đến thu nhập của khoảng 1 triệu nông dân liên quan đến ngành công nghiệp rong biển, một ngành đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Philippines. Năm 2020, Chính phủ Philippines báo cáo, rong biển là mặt hàng nuôi trồng thủy sản hàng đầu về khối lượng với 1,5 triệu tấn và đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu với 250 triệu USD.
Bà Gimotea cho biết, thu nhập của gia đình bà đã giảm đi một nửa vì các đợt bùng phát trở nên thường xuyên hơn, thêm vào đó là một cú sốc kinh tế do lạm phát gia tăng trong nước.
Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines (BFAR) đã đưa ra Lộ trình phát triển cho ngành nuôi trồng rong biển Philippines năm 2022 – 2026 nhằm giải quyết các thách thức của ngành, bao gồm bệnh trắng nhũn thân; đồng thời giành lại vị thế trên thị trường rong biển quốc tế.
Ông Demosthenes Togonon, điều phối viên Chương trình phát triển rong biển cho biết: “BFAR thông qua lộ trình của chúng tôi đang giải quyết chất lượng suy giảm của giống rong biển. Theo đó sẽ tăng cường nuôi trồng rong biển với tầm nhìn là sản xuất giống rong biển có khả năng chống chịu với khí hậu, phát triển nhanh và kháng bệnh”.
Hiện, Trung tâm Phát triển Công nghệ Rong biển Quốc gia của BFAR đang sản xuất giống rong biển bằng cách cắt và nhân giống từ thân của rong biển khỏe mạnh. Tuy nhiên, mục tiêu của Trung tâm thì lớn hơn, đó là sử dụng công nghệ kỹ thuật di truyền để tạo ra các giống rong biển có khả năng chống lại mầm bệnh và áp lực môi trường cao hơn. Ông Togonon cho biết, đây vẫn là một sáng kiến lâu dài cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, vì Philippines hiện chỉ có 7 phòng thí nghiệm nhỏ. Nhưng giải pháp này vẫn khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại. Nếu BFAR sử dụng kỹ thuật di truyền để phát triển giống thì những tác động tiềm ẩn của rong biển biến đổi gen (GMO) nên được nghiên cứu trước vì GMO chưa nhận được có sự đồng thuận cao về khoa học về tính an toàn.
Bất chấp những bất ổn do biến đổi khí hậu và sự đồng thuận về giải pháp phát triển giống rong biển, những người nông dân trồng rong biển như bà Gimotea vẫn hy vọng, ngành rong biển sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và mang đến nguồn thu nhập cho gia đình họ.
Hải Băng
Theo Mongabay