(TSVN) – Tăng trưởng gắn với ý thức bảo vệ môi trường chính được coi là yếu tố sống còn đối với tương lai của ngành tôm tại Philippines, nhất là khi quốc gia này đang thực hiện mục hướng đến các thị trường xuất khẩu.
Tăng trưởng hàng năm của ngành tôm Philippines trong 9 năm qua đạt 16%. Kết quả này thể hiện qua những con số ấn tượng gồm 93 trại tôm giống được cấp phép, nhiều cơ sở nuôi ấu trùng tôm, cùng 1.821 trại tôm thương phẩm và 37 hãng chế biến, kinh doanh.
Năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất 12,7% cùng sản lượng 64.577 tấn, theo số liệu chính thức từ Cục thống kê Philippines (PSA). Trong năm 2020, PSA báo cáo sản lượng giảm 2,9% xuống mức 62.705 tấn, trong khi đó Cơ quan quản lý nguồn lợi thủy sản (BFAR) chỉ công nhận mức sản lượng thấp hơn là 60.000 tấn. Khi nhu cầu tiêu thụ tôm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ông Robins McIntosh (AAP, 2021) đã dự báo sản lượng tôm của Philippines chỉ đạt 57.000 tấn. Ganancial (2021) đã đưa ra mức 48.000 tấn dựa vào số lượng nhập khẩu tôm bố mẹ thấp hơn. Ngành tôm Philippines thu về khoảng 14,3 – 18,3 tỷ PHP (279,3 – 357,15 triệu USD) trong năm 2020.
Theo lộ trình, BFRA đã đặt ra chiến lược sản xuất tôm tăng dần đều và bền vững. Trong ngắn hạn (2021 – 2025), sản lượng tôm thẻ chân trắng hàng năm ước tăng 5.000 tấn và tôm sú tăng 1.000 tấn. Trong trung hạn, BFRA hướng đến mục tiêu 10.000 tấn tôm thẻ chân trắng và 2.000 tấn tôm sú hàng năm; đồng thời tiếp tục tăng lên 20.000 tấn và 5.000 tấn trong dài hạn (2031 – 2040).
Ông Norbeto O.Chingcuanco, Chủ tịch Hội nghị ngành tôm Philippines lần 13 cho biết, tăng trưởng bền vững gắn với ý thức bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng nhất góp phần vào việc tiếp tục đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo ông William D. Dar, thư ký Văn phòng Nông nghiệp Philippines, ngoài những vấn đề liên quan đến kỹ thuật và thị trường, ngành tôm Philippines đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Ông kêu gọi sự kiên trì và bền bỉ khắc phục mọi rủi ro, cùng cam kết giảm khí thải nhà kính 75% theo thỏa thuận Paris.
Hội nghị ngành tôm lần 13 tổ chức vào tháng 11 năm ngoái bởi BFAR và Hội nuôi tôm Philippines (PhilShrimp) với chủ đề “Ổn định trong điều kiện bình thường mới”. Chủ tịch PhilShrimp, Roberto Catuslao cho biết đây là thời điểm vàng để ngành tôm chuyển mình trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Giáo sư Lemnuel Aragones, Viện Khoa học môi trường và khí tượng học (IESM), đại học Philippines Diliman nhấn mạnh yếu tố môi trường trong nuôi thủy sản. Ông cho rằng ngành tôm nói riêng phải học cách thích ứng hoặc hài hòa mọi hoạt động theo các điều kiện môi trường và biến đổi khí hậu. Theo ông, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) phải tận dụng toàn bộ các dữ liệu khí hậu sẵn có, đặc biệt là về dự đoán nhiệt độ tăng, những thay đổi về lượng mưa… Nếu địa mạo của những hòn đảo cũng được đưa vào xem xét khi các công ty NTTS lên kế hoạch phát triển, thì ngành NTTS sẽ hiệu quả và bền vững hơn.
Trại nuôi tôm tại Philippines. Ảnh: Aquaculture
Hiện, quy mô ngành NTTS của Philippines vẫn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và muốn tăng sản lượng thì phải mở rộng sản xuất. Philippines đang học hỏi các mô hình nuôi tôm tại Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, theo bà Cynthia Vilklar, chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp, thực phẩm, môi trường tự nhiên Philippines. Bà cho biết ngành tôm Philippines sẽ tiến lên phía trước theo hình thức đối tác công, tư.
Những người đứng đầu ngành tôm cũng phản ánh tình hình chi phí sản xuất tăng do giá thức ăn, năng lượng, vận tải đều ở mức cao hơn so với các nước khác trong vùng. Năm 2021, chi phí sản xuất tôm tại Philippines đã tăng 0,15 USD lên 3,67 – 4 USD/kg cỡ 70 con/kg ở mật đô 100 PL/m2 do chi phí thức ăn đắt đỏ. Nếu so sánh, chi phí chỉ 3,60 USD để sản xuất tôm cỡ 60 con/kg tại Malaysia và 2,69 – 3 USD/kg tôm cỡ 60 con/kg tại Thái Lan. Nhiều trang trại lựa chọn tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa để thu lợi nhuận tốt hơn, khoảng 1,36 – 1,94 USD/kg tôm với chi phí 2,92 – 3,50 USD/kg.
Ngành tôm Philippines vẫn đang tìm cách hài hòa hai xu hướng sản xuất thâm canh và quảng canh. Theo các chuyên gia tại Philippines, cần phải tìm hướng tiếp cận đôi bên cùng có lợi như nuôi thâm canh ở những vùng xuất khẩu và nuôi quảng canh phục vụ thị trường trong nước.
TS Prakan Chiarahkhongman, Công ty CPG tại Philippines cho biết nông dân nuôi tôm đang cố gắng kiểm soát chi phí hàng ngày bằng cách tìm kiếm đầu vào rẻ hơn từ thức ăn, ấu trùng và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe giá rẻ. Nhưng theo ông, chi phí sản xuất cao hơn bắt nguồn từ những thất bại trong vụ nuôi, ao nuôi bị tổn thương, FCR cao, tốc độ tăng trưởng trung bình thấp và thời gian nuôi kéo dài. Hầu hết mọi khó khăn và thất bại trong vụ nuôi đều do nuôi mật độ dày đặc mà không phân tích khả năng sản xuất của ao, chất lượng con giống kém, chi phí thức ăn cũng như phương thức quản lý không phù hợp.
Thị trường tôm tại Philippines phân chia khá rõ ràng. Sản xuất tôm nửa đầu năm phục vụ xuất khẩu và nửa cuối năm phục vụ thị trường nội địa, chủ yếu ở Manila và Cebu. Khoảng 90% sản lượng tôm được tiêu thụ trong nước. Kênh tiêu thụ chính của tôm thẻ chân trắng là chuỗi dịch vụ ẩm thực. Tuy nhiên, tại Cebu, nhu cầu nội địa từ chuỗi dịch vụ ẩm thực đã giảm 10 – 15% do COVID-19. Tại Manila và Cebu, các đợt phong tỏa liên tục cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ tôm.
Ông Gina Regalado, Phó giám đốc công ty Intaq cho hay, trong đại dịch, nhiều người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm hải sản rẻ hơn. Chính điều này đã giúp Intaq định hình xu hướng thị trường. Tại Philippines, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao khi 70% nhà hàng mở cửa trở lại. Các loại tôm PD, PDTO và nobashi đóng túi 1 kg gồm tôm nhỏ 10 g rất đắt hàng. Trước đại dịch, tôm PD có giá 400 PHP/kg (7,78 USD/kg) nhưng đã tăng lên 30 – 40% trong suốt đại dịch.
Theo Luoie Antonia, Giám đốc công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản De Oro tại Cebu, từ tháng 6 đến tháng 10, Philippines rất sẵn nguồn cung tôm nguyên liệu. Từ tháng 11 đến tháng 12, nguồn cung khan hiếm hơn nhưng giá và nhu cầu vẫn cao do người tiêu dùng tích cực mua hàng chuẩn bị cho Giáng sinh và năm mới. Các hãng chế biến tôm tại Philippines thường thiếu nguyên liệu từ tháng 1 đến giữa tháng 5.
Nguồn cung mang tính chất thời vụ nên lao động không ổn định. Khoảng 70% công nhân nghỉ việc lúc trái vụ. Khi bắt đầu vào vụ sản xuất, chỉ 30% quay lại và các nhà máy phải mất thêm 2 tháng tìm kiếm và đào tạo công nhân mới. Chu kỳ này cứ lặp lại theo các năm. Logistics cũng là trở ngại lớn đối với các hãng sản xuất tôm tại Philippines trong những năm đại dịch.
Xuất khẩu tôm của Philippines khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Năm 2020, do đại dịch nên kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 70 tỷ PHP (1,36 triệu USD) còn 20 tỷ PHP (389 triệu USD). Dù vậy, Philippines vẫn duy trì thị trường truyền thống gồm Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và Pháp. Đặc biệt, ngoài tôm sú, Philippines đã bắt đầu xuất khẩu tôm thẻ chân trắng từ năm 2012 – 2013.
Các hãng sản xuất đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược xuất khẩu tôm, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trong vùng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp là vượt qua được các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng tại các thị trường xuất khẩu. Trước mắt, họ tập trung vào nuôi tôm theo chứng nhận bền vững, hoặc theo yêu cầu của khách hàng cụ thể. Ví dụ, Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm tôm an toàn và trang trại được giám sát dịch bệnh bởi BFAR.
BFAR cũng đã bắt đầu bắt tay xây dựng trung tâm nhân giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ, và một trại sản xuất giống tôm sú ở Mercedes. Cùng đó là hàng loạt chương trình đào tạo kỹ thuật và thông tin, giám sát dịch bệnh trên tôm, tập huấn online về nuôi tôm cơ bản và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Tuấn Minh
Theo Aquaculture