(TSVN) – Hỏi: Cá nuôi thường mắc bệnh vào thời điểm đầu mùa mưa. Xin tư vấn các biện pháp phòng bệnh hiệu quả?
(Trần Anh Tuấn, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Trả lời:
Nắng nóng, kết hợp mưa nắng thất thường trong giai đoạn đầu mùa mưa, cùng với vệ sinh bên trong và bên ngoài ao, bè nuôi cá không tốt sẽ là điều kiện cho mầm bệnh virus, vi khuẩn và ký sinh trùng sinh sôi và phát triển. Do đó, hằng ngày người nuôi cần theo dõi sức khỏe đàn cá, phát hiện sớm cá nuôi có biểu hiện bất thường để điều trị kịp thời. Nếu số lượng nhỏ cá bị bệnh nhưng không thấy biểu hiện lây lan thì áp dụng ngay cấp thuốc trợ sức, trợ lực qua thức ăn như Vitamin C và điều chỉnh, cải thiện chất lượng nước. Trường hợp thấy cá có triệu chứng bệnh nặng, lây lan nhanh, số lượng chết tăng dần hằng ngày khó kiểm soát, cần báo ngay cho người có chuyên môn và trách nhiệm để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Không nên tác động đến đàn cá như chuyển ao, phân cỡ vào những ngày thời tiết nhiều mây âm u, sau cơn mưa, lúc cá đang bắt mồi yếu. Trước khi tác động vào đàn cá nên tăng cường sức đề kháng bệnh cho cá bằng cách bổ sung Vitamin C liều 10 g/tấn cá hay Beta – Glucan (sử dụng theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất) liên tục trong 5 – 7 ngày. Thêm vào đó, cần cắt mồi hoàn toàn 2 – 3 cữ cho ăn trước và sau khi tác động vào đàn cá. Khi bắt đầu cho cá ăn lại nên cho ăn với lượng tăng dần từ 20 – 100% lượng ăn trong 3 – 4 ngày.
Nếu nghi ngờ nước nhiễm thuốc trừ sâu, không nên cấp nước vào ao. Nếu thể tích nước cần sử dụng không quá lớn, có thể xử lý nước bằng thuốc tím KMnO4 2 – 4 mg/lít trước khi cấp cho bể hương hay giống. Nồng độ này cũng có thể xử lý khí độc H2S trong ao.
Theo dõi tin tức dự báo thời tiết hằng ngày. Trước những ngày được dự báo có mưa to nên rải vôi CaCO3 đều khắp bờ ao với lượng 20 – 25 kg/1.000 m2.
Ban KHKT