(TSVN) – Hỏi: Làm thế nào để phòng bệnh đầy đủ cho tôm không bị đốm trắng hiệu quả, hạn chế thiệt hại?
(Trương Văn Toàn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Để phòng bệnh đốm trắng cho TTCT nên sử dụng chế phẩm EM thứ cấp để xử lý ao, đáy ao trước khi thả và dùng chế phẩm sinh học EM thường xuyên trong suốt quá trình nuôi tôm. Một khi các vi sinh vật có lợi phát triển mạnh, chúng tiêu diệt các vi sinh vật có hại, vi khuẩn có hại giúp phòng bệnh tốt hơn. Người nuôi cần thường xuyên nắm bắt các thông tin về diễn biến dịch bệnh tại địa phương để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Khi vùng nuôi đã xuất hiện dịch bệnh mà ao nuôi nhà mình chưa có biểu hiện dịch bệnh, các hộ nuôi nên xử lý bằng các biện pháp sau: Không nên đến nơi phát dịch, hạn chế người qua lại các ao tôm. Trường hợp phải vào ao thì cần thay quần áo và lội qua bể nước khử trùng (Chlorine, formol 5%). Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đắp chặt cống cấp và thoát nước. Quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá… vào ao.
Căng dây và lắp hình nộm để chống chim cò vào ao. Hạn chế thay nước ao, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi để điều chỉnh kịp thời như tăng cường quạt khí, xiphong đáy ao, ổn định pH, độ kiềm. Đồng thời tăng cường bổ sung Vitamin C, men vi sinh, khoáng, vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.
Nếu nước ao có màu trà đậm, kiểm tra thấy lượng Vibrio trong nước tăng vượt ngưỡng thì nên khử trùng nước ao. Sau đó, phải bón ngay chế phẩm vi sinh để phục hồi lượng vi khuẩn có lợi trong ao. Thường xuyên kiểm tra sức ăn của tôm trong nhá, vó để điều chỉnh thức ăn phù hợp.