Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vào mùa mưa lũ, cá bớp thường bị bệnh do ký sinh trùng. Vì vậy, người nuôi nên chuẩn bị và tìm hiểu kỹ các dấu hiệu nhận biết của một số bệnh thường gặp để phòng tránh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Bệnh do Amyloodinium ocellatum

Nguyên nhân: Ký sinh trùng đơn bào (Protozoa) thuộc lớp DinoflagellateAmyloodinium ocellatum ký sinh vào cơ thể cá.

Triệu chứng: Cá thở mạnh, bơi nhanh, nắp mang xòe ra, giảm ăn, xuất hiện dưới dạng những đốm đen nhỏ trên sợi mang dưới ống kính.

Trị bệnh: Sử dụng CuSO4.5H2O; giảm độ mặn trong một số trường hợp (hoặc tắm cá bị bệnh trong nước ngọt khoảng 10 – 15 phút); tắm nhanh bằng dung dịch Formaline 20 – 30 ml/100 lít nước biển có sục khí mạnh trong 10 – 15 phút.

Bệnh do Cryptocaryon irritans

Nguyên nhân: Do ký sinh trùng đơn bào Cryptocaryon irritans (thuộc giống Cryptocaryon) gây ra. Đây là một loại ký sinh trùng đơn bào, gây bệnh cho cá biển nuôi và hoang dã ở nhiệt độ từ 150C đến 30°C được biết đến với tên gọi bệnh đốm trắng.

Triệu chứng: Cá bớp bị nhiễm Cryptocaryon thường sẽ có đốm trắng nhỏ, nốt sần hoặc mảng trên vây, da hoặc mang. Tỷ lệ tử vong có thể tăng nhanh chóng trong vài ngày. Cá cũng có thể bị rách vây, mắt mờ, mang nhạt, tăng sản xuất chất nhầy, hoặc thay đổi màu sắc da (Noga 1996; Colorni và Burgess 1997).

Trị bệnh: Ngâm đồng sunfat trong thời gian dài; tắm trong nước ngọt; điều trị bằng thuốc; giảm độ mặn xuống 15 hoặc ít hơn trong 2 tuần; giảm nhiệt độ hệ thống xuống < 190C.

Bệnh trùng loa kèn Epistylis spp

Nguyên nhân: Bệnh do trùng loa kèn Epistylis spp (thuộc nhóm trùng lông mao có thân – Stalked ciliate) gây ra.

Triệu chứng: Cá nhiễm bệnh có xuất hiện đốm trắng hoặc đỏ trên da/vây, cung mang hoặc vòm miệng; bệnh xuất hiện phổ biến ở các vùng nước bị ô nhiễm. Thường liên quan đến tình trạng nhiễm vi khuẩn gram âm gọi là bệnh đốm đỏ (red sore disease).

Trị bệnh: Điều trị bằng Formaline; tắm/ngâm nước ngọt; sử dụng kháng sinh cho cá bị nhiễm khuẩn nặng.

Bệnh Trichodinosis do Trichodina sp.

Nguyên nhân: Trùng bánh xe Trichodina sp (Trichodinosis). Trichodinia sp còn gọi là trùng bánh xe, có hình tròn, với một dải lông mao bao quang. Trùng có đường kính 40 – 60 µm, và chuyển động xoay. Ký sinh trùng thường xuyên tấn công mang của những con cá bị nhiễm bệnh, gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng, khó thở, do đó cá thường nổi lên mặt nước để lấy ôxy.

Triệu chứng: Giai đoạn cá giống, tìm thấy trùng trên da và mang. Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ, bệnh mãn tính có tỷ lệ tử vong thấp, thường dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp.

Trị bệnh: Điều trị bằng Formaline hàm lượng 50 ppm khi tắm trong khoảng 2 – 4 ngày; Tắm hoặc ngâm kéo dài thuốc Praziquantel.

Bệnh do sán lá đơn chủ Neobenedenia sp.

Nguyên nhân: Do sán lá đơn chủ Neobenedenia sp. thường gặp trên cá biển như cá chẽm, cá bớp. Là loài ký sinh trùng gây bệnh nặng nhất cho cá bớp với tỷ lệ chết lên tới 100%, thường gây mù khi ký sinh trên mắt cá.

Triệu chứng: Sán lá ký sinh trên da, mắt, thường thấy trong giai đoạn nuôi thương phẩm; bệnh gây tổn thương và loét da; vây bị ăn mòn; tổn thương mắt có thể dẫn đến mù lòa.

Trị bệnh: Điều trị bằng Formaline hàm lượng 50 ppm khi tắm trong khoảng 2 – 4 ngày; Tắm hoặc ngâm kéo dài bằng thuốc Praziquantel.

Bệnh Myxidiosis do Sphaerospora 

Nguyên nhân: Do ký sinh trùng Sphaerospora gây ra.

Triệu chứng: Cá bị bệnh có cơ thể đổi màu, thiếu máu, loét da; quan sát thận thấy các nốt màu trắng đục, giai đoạn bào tử Sphaerospora có thể quan sát thấy trong máu, tiểu cầu và ống thận cá bớp bệnh

Trị bệnh: Hiện, bệnh chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. Người nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

Phòng bệnh tổng hợp

Lựa chọn con giống có chất lượng, từ những nhà cung cấp uy tín.

Trong quá trình nuôi, cần giữ cho môi trường nước sạch sẽ, lồng lưới thông thoáng.

Thức ăn cho cá bớp phải là cá tươi, thức ăn hỗn hợp có chất lượng tốt. Không sử dụng cá ươn, thối làm thức ăn cho cá.

Định kỳ 2 tháng/lần tắm cho cá bằng dung dịch thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 5 ppm trong thời gian 15 – 20 phút để tiêu diệt mầm bệnh.

Khi phát hiện cá bệnh, cần nuôi cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Nếu cá chết phải vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra vùng nuôi nhằm tránh lây lan bệnh.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!