Phòng bệnh nhiễm khuẩn trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Làm thế nào để biết được tôm đang bị nhiễm khuẩn?

(Nguyễn Văn Cường, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:

Khi đàn tôm của bị nhiễm khuẩn, ao nuôi và con tôm sẽ xuất hiện khá nhiều dấu hiệu khác lạ có thể tự phát hiện bằng mắt thường, cụ thể:

Thức ăn thừa tồn đọng trong ao: Từ sức ăn của tôm có thể đánh giá được tôm đang khỏe hay bệnh. Nếu sau mỗi lượt cho ăn đều tồn đọng nhiều thức ăn thừa trong ao thì chắc chắn tôm đang có dấu hiệu nhiễm bệnh. Chưa kể thức ăn thừa tồn đọng lâu và nhiều sẽ làm bẩn môi trường nước, dễ sinh ra nhiều bệnh hơn cho tôm.

Hiện tượng tôm nổi đầu, tấp mé bờ, bắt mồi kém: Đây chính là dấu hiệu bất thường điển hình người nuôi phải lưu ý. Tình trạng này chỉ xuất hiện khi tôm đang bị bệnh hoặc môi trường nước không tốt. Vẻ bề ngoài của tôm sẽ cho biết được tình trạng sức khỏe của chúng như thế nào. Nếu thấy ngoại hình tôm có những dấu hiệu sau đây thì nguy cơ chúng đang mắc bệnh là rất cao:

Thân tôm bị đổi màu: Có một số bệnh sẽ khiến thân tôm bị đổi màu rõ rệt.

Tôm chuyển sang màu hơi xanh (do nhiễm vi khuẩn MBV).

Tôm bị chuyển đỏ từng phần cho đến toàn thân (do nhiều nhóm vi khuẩn, virus GAV, hoặc bội nhiễm với nhiều chủng virus khác).

Thân tôm chuyển sang màu trắng đục (do chứng bông vải).

Vỏ tôm: Vỏ tôm bị mềm (có thể do chứng bệnh mềm vỏ); Vỏ tôm xuất hiện nhiều đốm đen; Vỏ tôm xuất hiện các đốm trắng (nhiễm virus IHHNV hoặc virus đốm trắng).

Các bộ phận bên trong: Trong đầu tôm có màu hơi vàng, khi cắt bỏ thấy có mùi hôi (nhiễm virus đầu vàng); đường ruột của tôm ngắn, bị đứt gãy; hệ thống đường ruột rỗng không (có thể do nhiễm vi khuẩn Vibrio); đường ruột có màu nhợt nhạt, trắng đục hoặc đỏ hồng (tôm khỏe mạnh, ăn uống bình thường sẽ có ruột màu vàng sáng hoặc vàng nhạt); mang tôm xuất hiện nhiều sợi nấm; mang tôm chuyển sang màu xanh lục (có thể tôm bị nhiễm các loài ký sinh trùng Protozoa); mang tôm xuất hiện màu nâu hoặc đen (có thể do bệnh đen mang ở tôm).

Hỏi: Các biện pháp phòng bệnh nhiễm khuẩn trên tôm?

(Phan Mạnh Quân, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Luôn chọn thức ăn từ nguồn cung cấp uy tín, xuất xứ minh bạch.

Chọn những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng được sự sinh trưởng, phát triển của tôm suốt mùa vụ.

Thức ăn phải sạch, khô ráo, tránh ẩm mốc, hư hỏng. Khi thức ăn đã có dấu hiệu bị mốc cần lập tức bỏ đi, tuyệt đối không tiếp tục sử dụng cho tôm ăn.

Điều chỉnh liều lượng thức ăn thả xuống mỗi ngày sao cho phù hợp, không quá ít và cũng không quá nhiều. Thức ăn dư thừa tích tụ sẽ gây ô nhiễm môi trường sống của tôm. Bên cạnh đó, có thể bổ sung men vi sinh để cải thiện đường ruột tôm.

Để đảm bảo môi trường luôn lý tưởng cho tôm phát triển, cần tiến hành kiểm tra nguồn nước thường xuyên. Hàm lượng ôxy hòa tan trong ao tối ưu nhất là 5 ppm, đây là môi trường hoàn hảo để tôm mau lớn, ăn khỏe, phát triển tốt. Nếu mức ôxy hòa tan dưới 4 ppm thì cần xử lý ngay.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!