Phòng bệnh trên ngao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trên ngao?

(Nguyễn Thái Hà, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

Trả lời:

Không nuôi ở những nơi nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 3 – 4 giờ trở lên sẽ làm cho ngao/nghêu bị chết do nắng nóng mùa hè hoặc lạnh mùa đông. Không nuôi ở những nơi quá gần cửa sông do môi trường thường bị thay đổi đột ngột trong mùa mưa hoặc nguồn nước ô nhiễm từ sông đổ ra.

Chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, chọn cỡ giống lớn và có kết quả xét nghiệm âm tính với Perkinsus. Mật độ thả nuôi và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng cần phải theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản (lưu ý nên thả mật độ thưa).

Vệ sinh bãi ngao hàng ngày, thu gom rác, xác ngao chết trên bãi ngao đưa lên bờ ở nơi quy định tránh gây ô nhiễm bãi ngao; tiến hành kiểm tra kích cỡ ngao và mật độ ngao để tiến hành san thưa, giảm cạnh tranh thức ăn, tạo điều kiện cho ngao phát triển tốt. Thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường định kỳ 1 lần/tháng, kiểm tra một số chỉ tiêu như độ mặn, pH, NH3, H2S, BOD5, COD, DO, tảo độc hoặc kim loại nặng để đánh giá sự biến động các chỉ tiêu môi trường. 

Hỏi: Dấu hiệu nhận biết ngao bị nhiễm ký sinh trùng Perkinsus sp. Biện pháp phòng trị bệnh như thế nào?

(Trần Văn Việt, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Biểu hiện chủ yếu của ngao bệnh là sinh trưởng chậm. Tuyến sinh dục chậm phát triển, giảm sức sinh sản và làm chậm chu kỳ sinh sản. Vật nuôi nổi lên cát, mở vỏ và chết hàng loạt. Bệnh xảy ra ở đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ như hàu, vẹm, nghêu, trai ngọc, trai tai tượng, bào ngư… Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Khi nhiệt độ tăng cao trên 15oC. Sau đó giảm dần vào mùa đông và đầu mùa xuân khi nhiệt độ khoảng 9 – 10oC. Vì vậy tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao nhất thường xảy ra vào đầu mùa thu. Perkinsus sp. phát triển mạnh ở độ mặn 25‰ và không chịu được độ mặn thấp hơn 15‰. Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, để phòng bệnh do ký sinh trùng Perkinsus sp. gây ra, người nuôi cần thực hiện các biện pháp sau:

– Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường và thời tiết, người nuôi tuyệt đối không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi;

– Duy trì mật độ thả thích hợp 180 – 200 con/m2, cỡ giống nuôi 400 – 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi 500 – 800 con/kg và 250 – 300 con/m2 đối với cỡ giống 800 – 2.000 con/kg;

– Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn… ở bãi ngao để khuyến cáo, cảnh báo cho để khuyến cáo cho người nuôi;

– Trong trường hợp, ngao đạt kích cỡ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra. Đối với ngao chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần chủ động san thưa mật độ không để mật độ quá dày;

– Nếu phát hiện ngao chết, lập tức thu gom, xử lý để tránh lây lan sang các cá thể còn sống, có biện pháp khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, tránh nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!