(TSVN) – Cua biển là đối tượng đem lại kinh tế và lợi nhuận cho người nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, cua thường mắc phải một số bệnh do ký sinh trùng. Người nuôi cần quan sát, kiểm tra hoạt động của cua để chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Tác nhân gây bệnh: Do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ xuất hiện nhiều sau khi nước có độ mặn thấp hoặc sau khi có mưa lớn. Sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tơ đục thủng mang gây hoại tử mang cua. Nấm, vi khuẩn dạng sợi, hay khi nồng độ các khí độc NH3 và H2S cao trong môi trường ao nuôi.
Dấu hiệu bệnh lý: Mang cua có những đốm đen, các tơ và áo mang chuyển màu đen một thời gian mang có mùi rất tanh, thối từng phần cho tới toàn bộ. Thân cua bị bệnh phần vỏ ngoài có các đốm đen, sau đó gây mù mắt. Bệnh xuất hiện cả giai đoạn cua con và cua trưởng thành. Sau khi mắc bệnh cua bỏ ăn, gây yếu, hô hấp kém nằm im không hoạt động.
Điều trị: Tắm cho cua bằng Formol với nồng độ 16 – 30 ml/m3 nước trong 15 – 20 phút, có sục khí, thời gian điều trị 6 – 8 ngày. Dùng vôi bón vào ao với liều lượng 15 – 20 mg/l.
Phòng bệnh: Thả cua đúng lịch thời vụ, làm tốt khâu cải tạo, giữ lớp bùn đáy có độ dày thích hợp (5 – 10 cm). Tăng cường trao đổi nước, định kỳ tiến hành thay nước và cung cấp nước vào ao đảm bảo chất lượng nước tốt. Tránh cho ăn quá nhiều.
Ảnh minh họa
Tác nhân gây bệnh: Do ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp. bám vào phần thịt của khoang mai, có thể thấy qua lỗ thoát ở gốc càng cua. Ký sinh trùng phát triển nhanh về số lượng và gây cản trở hoạt động của cua, hút chất dịch trong thịt cua, làm cua gầy và chết.
Điều trị: Giảm độ mặn dưới 1‰ hoặc chuyển cua qua nước ngọt, tắm cua trong dung dịch Formalin 20 – 30 ppm trong 20 – 30 phút hoặc dung dịch CuSO4 8 ppm hoặc KMnO4 20 ppm trong 10 – 20 phút, nếu phun dưới ao thì sử dụng 0,7 ppm của hỗn hợp CuSO4 và FeSO4 theo tỷ lệ 5:2.
Phòng bệnh: Sát trùng ao bằng Chlorine 10 ppm hoặc 100 ppm Formalin và tháo bỏ lớp bùn đáy trước khi thả giống, loại bỏ những con cua bệnh, không thả cua bị nhiễm bệnh, thả cá rô phi 0,1 con/m2 để chúng sử dụng ký sinh trùng này làm thức ăn.
Tác nhân gây bệnh: Ký sinh trùng Rickettsia.
Dấu hiệu: Rickettsia ký sinh trong các mô liên kết của tim, chân bò và ruột, huyết tương. Làm cho cua kém ăn, hoạt động yếu. Bệnh nặng chân bò run, nên còn gọi là “bệnh run chân”.
Phòng trị: Giữ gìn môi trường sống trong sạch cho cua nuôi. Ao đầm nuôi phải xây dựng ở nơi có nguồn nước tốt, độ mặn từ 15 – 25‰, pH từ 7,5 – 8,2.
Cải tạo ao thật kỹ trước khi thả nuôi. Phơi đáy từ 5 – 10 ngày, nếu đáy nhiều bùn thì vét bớt bùn, rác.
Bón vôi khắp đáy và trên bờ ao, quét vôi trong và ngoài đăng chắn, làm tốt khâu cải tạo, sát trùng, loại bỏ các chất cặn bã, chất thải của quá trình nuôi trước; duy trì quản lý chất lượng nước tốt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cua.
Hiện chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu nên tốt nhất chọn cua có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, tốt nhất nên lấy giống cua sản xuất nhân tạo, ương trong giai đạt kích cỡ 1,5 – 2 cm.
Trước khi thả nên sát trùng bằng dung dịch formaline 20 – 30 ppm hoặc CuSO4 liều 2 – 4 ppm trong vòng 20 – 30 phút. Có thể dùng thuốc phun vào ao trong thời gian kể từ lúc bắt đầu thả nuôi, nồng độ thuốc thấp hơn 7 – 10 ppm so với nồng độ tắm cho cua. Chỉ nên dùng với ao nhỏ, mật độ nuôi cao.
Để phòng các mầm bệnh có trong thức ăn, nhất là thức ăn tươi sống, người nuôi có thể khử trùng thức ăn trước khi cho cua ăn. Thức ăn rửa sạch ngâm trong KMnO4 nồng độ 5 – 10 ppm trong 20 – 30 phút. Sau đó, rửa lại bằng nước sạch rồi cho cua ăn. Tốt nhất nên cho cua ăn thức ăn được nấu chín.