(TSVN) – Hỏi: Vào mùa mưa bão, các dạng bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi, đặc biệt là bệnh ngoại ký sinh trùng thường phát sinh nhiều. Xin tư vấn cách phòng trị bệnh này để bảo vệ đàn cá nuôi hiệu quả.
(Trịnh Đình Nam, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ)
Trả lời:
Để phòng trị bệnh cho cá nuôi trước các loại ký sinh trùng phát sinh, phát triển trong mùa mưa bão, cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường ao nuôi. Khi thấy cá nuôi nổi đầu do thiếu ôxy, cần tăng cường quạt nước, phun nước, giảm lượng thức ăn. Chú ý không nuôi thâm canh với mật độ dày. Với ao cũ, mỗi lần thay nước cần xử lý nước bằng vôi bột.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra mức nước, màu nước, bảo đảm môi trường ao nuôi trong sạch bằng cách sử dụng bột đá, vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi. Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn cho thủy sản nuôi ăn hàng ngày.
Muối (NaCl) và vôi (CaO) là hai hóa chất thường được sử dụng để phòng bệnh cho cá nuôi (nhất là các bệnh ngoại ký sinh trùng) trong mùa mưa bão. Định kỳ 10 – 15 ngày/lần treo túi vôi và muối ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc). Nuôi ao sử dụng vôi 1 – 2 kg/túi, muối 10 kg/túi. Liều lượng trên có thể thay đổi theo quy mô, diện tích nuôi và thể tích nước.
Nếu phát hiện đàn cá giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục (nuôi ao thì mỗi ngày thay 10 – 15% thể tích nước ao). Đem mẫu cá bệnh đến cơ sở xét nghiệm gần nhất để chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó đưa ra biện pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.
Ngoài ra, có thể sử dụng lá xoan, dây giác, cỏ mực đập dập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng 5 – 10 kg/lần để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các ký sinh trùng.
Ban KHKT