Phòng, trị bệnh trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Ao nuôi tôm đến tháng thứ 2 thì bị bệnh đốm trắng. Xin hỏi biện pháp xử lý nước ao nuôi làm sao cho an toàn?

(Nguyễn Thái Thịnh, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)

Trả lời:

Khi ao đang bị đốm trắng cần thực hiện biện pháp cách ly ngay (đóng chặt cống; không cho nước vào và ra ngoài). Thu tôm trong vòng 1 – 2 ngày nếu tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Sau khi thu tôm, khử trùng nước và dụng cụ bằng Chlorine nồng độ 40 ppm. Giữ nước sau khi xử lý Chlorine ít nhất 7 ngày trước khi xả ra môi trường. Dụng cụ và quạt nước dùng trong ao phải được phun xịt bằng nước hòa chlorine với nồng độ 1.600 ppm hoặc nếu có thể thì ngâm trong nước hòa tan 40 ppm chlorine trong ít nhất 3 ngày. Nếu tôm chưa đạt cỡ thu hoạch, tôm chết nhiều (80 – 100%), thì nên vớt hết tôm chết đem tiêu hủy, sử dụng Chlorine nồng độ 40 ppm. Trong trường hợp tôm chưa chết hết thì tái xử lý Chlorine nồng độ 100 ppm. Xác tôm chết phải lưu lại trong ao ít nhất 7 ngày cho phân hủy tự nhiên và tiêu diệt mầm bệnh (vì mầm bệnh có thể tồn tại trong nhân tế bào). Sau khi tháo nước, loại bỏ lớp bùn đáy ao nuôi thật sạch, xử lý vôi 4.000 – 5.000 kg/ha khi đáy còn ẩm (có thể xử lý vôi theo pH phơi đất). Phơi khô đáy, đảm bảo không còn chỗ ẩm cho mầm bệnh ẩn nấp. Ao tôm bị bệnh đốm trắng, không nên vội vàng cải tạo để thả nuôi ngay, mà nên cho ao nghỉ 1,5 – 2 tháng để dứt nguồn bệnh và tái tạo lại môi trường nền đáy. Thời gian ao nghỉ nên thả cá rô phi để cá tiêu diệt hết những loài ký chủ trung gian mang mầm bệnh còn sót lại.

Hỏi: Dấu hiệu nhận biết tôm đang thiếu Vitamin C? Liều lượng bổ sung thích hợp cho tôm?

(Hoàng Văn Công, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Tôm bị bệnh thiếu Vitamin C thường bỏ ăn, hay kém ăn, khả năng chịu sốc giảm sút, mẫn cảm hơn với các loại mầm bệnh thứ cấp khác nhau, khả năng tái tạo vết thương giảm nên quá trình hồi phục chậm lại. Để phòng bệnh, cần bổ sung một lượng Vitamin C thích hợp cho từng đối tượng nuôi, tùy theo loại thức ăn dùng, đặc biệt trong trường hợp dùng thức ăn tổng hợp để nuôi tôm cá. Mặc dù trong thành phần thức ăn tổng hợp đã có một lượng Vitamin tổng hợp, nhưng trong quá trình chế biến và bảo quản, Vitamin C đã bị thất thoát rất nhiều, do vậy nếu không bổ sung, có thể vật nuôi sẽ xuất hiện bệnh lý như trên. Đặc biệt cần lưu ý khi nuôi tôm trong môi trường thiếu tảo dễ mắc bệnh thiếu Vitamin C. Dựa vào hàm lượng mà liều lượng cho ăn khác nhau, hàm lượng Vitamin C cao thì liều lượng cho ăn thấp hơn, thông thường ở hàm lượng 20% thì liều lượng cho tôm ăn từ 2 – 5 g/kg thức ăn hoặc tạt xuống ao nuôi với liều 0,5 – 1 kg/1.000 m3 nước.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!