(TSVN) – Hỏi: Biểu hiện của bệnh long đầu trên tôm hùm? Xin tư vấn biện pháp trị bệnh hiệu quả?
(Nguyễn Thành Hưng, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa)
Trả lời:
Tất cảc các loài tôm hùm nuôi đều có thể mắc bệnh long đầu. Khi bị bệnh, phần giáp đầu ngực và phần bụng long ra, có chất dịch bên trong lớp biểu bì khu vực này. Bệnh gây chết tôm nuôi từ rải rác đến hàng loạt và có thể xảy ra ở cả giai đoạn tôm con và tôm trưởng thành. Nguyên nhân gây bệnh: Môi trường vùng nuôi có độ mặn thay đổi đột ngột (độ mặn thấp) hay có sự thay đổi lớn về môi trường nuôi; Tôm nuôi có thể bị nhiễm khuẩn. Để phòng, trị bệnh, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Di chuyển lồng/bè nuôi đến vùng có độ mặn ổn định (>28‰). Vào những ngày trời có mưa, hay sau những đợt mưa lớn cần chú ý tránh vớt tôm lên bề mặt lồng/bè nuôi. Tôm có thể bị sốc do thay đổi điều kiện môi trường sống, đặc biệt là thay đổi về độ mặn.
Hỏi: Biện pháp phòng trị bệnh đen mang trên tôm hùm?
(Nguyễn Hạnh Nhi, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Đen mang là một trong những bệnh nguy hiểm có thể làm tôm hùm chết rải rác đến hàng loạt. Nguyên nhân gây bệnh đen mang là do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac (NH3) và Hydro Sulfur (H2S) trong môi trường cao.
Để điều trị bệnh, cần treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm để diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn. Tắm cho tôm bằng Formaline hoặc sulfat đồng, thả nuôi ở một lồng khác. Dùng thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn, chú ý dùng đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian. Việc sử dụng kháng sinh chỉ có kết quả khi phát hiện bệnh sớm. Thời gian điều trị bằng kháng sinh khoảng 5 – 7 ngày.
Để phòng bệnh đen mang, người nuôi cần tăng lưu lượng dòng chảy qua lồng nuôi bằng cách vệ sinh lồng nuôi thường xuyên, chuyển lồng nuôi đến địa điểm nuôi mới để tránh sự ô nhiễm cục bộ. Bên cạnh đó, cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, không đặt lồng sát đáy, vớt thức ăn dư thừa, sát trùng thức ăn (bằng thuốc tím)… Nếu tôm đã nhiễm bệnh, người nuôi sử dụng Formaline 100 – 200 ppm tắm cho tôm trong thời gian 10 – 15 phút mỗi ngày (dùng trong 2 – 4 ngày) để điều trị bệnh. Bên cạnh đó, tách riêng những con tôm có dấu hiệu bệnh (cho vào các thùng chứa để điều trị) nhằm giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh cho cả đàn tôm và sẽ đơn giản hơn trong quá trình trị bệnh. Thao tác bắt tôm lên điều trị bệnh phải nhẹ nhàng, tránh xây xát tôm. Trước khi tắm tôm phải chuẩn bị tất cả các khâu cần thiết, tránh trường hợp đưa tôm lên khỏi lồng mà chưa tiến hành điều trị ngay.
Ban KHKT