(TSVN) – Bệnh viêm ruột thường xảy ra trên cá rô phi, khả năng gây chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế vụ nuôi.
Tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn gram âm Aeromonas hydrophila. Có nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để vi khuẩn gây bệnh như: Cải tạo ao nuôi trước khi thả giống chưa đúng quy trình kỹ thuật; Cá giống kém chất lượng và mang mầm bệnh; Do đánh bắt cá xây xát, vận chuyển không đảm bảo; Do chất lượng môi trường nước ao nuôi không thuận lợi; Khi cá bị bệnh chết, người nuôi tiêu hủy, xử lý không đúng kỹ thuật, bệnh lây lan theo nguồn nước, chim, cò,…
Bệnh thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản.
Phân bố và lan truyền: Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa xuân, mùa thu ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam.
– Khi nhiễm bệnh, cá bơi tách đàn, lờ đờ, da chuyển màu tối hơn
– Cá ăn ít hoặc bỏ ăn, chết rải rác và có thể gây chết hàng loạt ở thế cấp tính. – Cá có biểu hiện bụng chướng to, chứa dịch thể màu vàng
– Hậu môn sưng đỏ có dịch nhầy chảy ra.
Các triệu chứng của cá rô phi khi bị bệnh viêm ruột. Ảnh: Researchgate
Giải phẫu cá bệnh quan sát thấy ruột đầy hơi.
Dựa vào dấu hiệu bên ngoài và các triệu chứng bệnh tích: Da xuất huyết; xoang bụng sưng to, các cơ quan nội tạng bị xuất huyết và viêm nhũn (dịch hóa), ruột viêm và chứa đầy hơi.
Phương pháp thử kháng sinh đồ.
Dừng không cho cá ăn; thay trên 1/2 nước trong ao, treo túi vôi tại các góc ao hoặc góc lồng. Sau khi nguồn nước đảm bảo theo yêu cầu, tiến hành cho cá ăn thức ăn trộn các loại thuốc sau:
– Dùng Oxytetracycline liều lượng 4 – 5 g kết hợp thêm Vitamin C, liều lượng 1 g/100 kg cá/ngày. Thực hiện cho ăn liên tục trong 7 ngày. Tốt nhất nên hòa tan thuốc trộn đều vào thức ăn viên nổi sau 30 phút rồi cho ăn. Hoặc nấu đặc cám ngô, gạo để nguội trộn đều thuốc rồi nắm thành từng nắm tiến hành cho cá ăn.
– Sử dụng chế phẩm chiết xuất từ tỏi với liều lượng 1 lít/1.000 kg cá/ngày.
Lưu ý: Cho cá ăn từ từ, cá ăn gần hết mới tiếp tục cho ăn tiếp để hạn chế lượng thuốc thất thoát ra ngoài.
Tiến hành các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Làm sạch môi trường nước và ao nuôi. Nguồn nước lấy vào ao phải sạch. Ao quang đãng, xung quanh ao không có cây cối rậm rạp.
Ao nuôi cần được tháo cạn nước, phơi đáy ao và tẩy trùng bằng vôi bột với lượng 7 – 10 kg/100 m². Trước khi thả cá,nên tắm cho cá giống bằng nước muối nồng độ 2 – 3% trong 5 – 10 phút.
Trong quá trình nuôi, cần vớt hết thức ăn thừa (nhất là cỏ, lá) trước khi cho cá ăn lần mới. Dùng vôi bột theo định kỳ, khối lượng 2 – 3 kg/100 m³ nước tùy thuộc pH của nước.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để khử trùng nước ao nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, hàng tuần cần kiểm tra nước 1 lần, để xem mức độ tảo cũng như thức ăn tự nhiên trong ao, từ đó có cách điều chỉnh kịp thời. Màu nước ao thích hợp nuôi cá là màu nõn chuối.
Hàng tháng, cho cá ăn thêm Vitamin C, với liều lượng 30 – 50 mg/100 kg cá.
Cá chết, cá yếu cần được vớt ngay ra khỏi ao, lồng.
Không vứt cá chết bừa bãi ra sông, suối, trên mặt đất, cần phải chôn vào hố cách ly có rải vôi sống để tiệt trùng. Sau những trận mưa đầu mùa nên té nước vôi để trung hòa lượng axit có trong nước mưa với liều lượng 1,5 kg/100 m³ ao. Sau mỗi vụ nuôi nên thu hoạch triệt để, rồi cải tạo ao nuôi, không nên nuôi lưu năm này qua năm khác.
Đối với những ao nuôi bị bệnh cần cải tạo kỹ bằng vôi bột 15 kg/100m² phơi nắng trong 7 ngày.
Thanh Hiếu