T2, 06/07/2020 02:09

Phòng trị bệnh xuất huyết do vi khuẩn trên cá nheo mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Cá nheo mỹ có hiện tượng xuất huyết đặc biệt là gốc vây, xương nắp mang, hậu môn. Các cơ quan nội tạng như gan, ruột, thận có hiện tượng xuất huyết, tụ máu và hoại tử. Xin cho hỏi cách phòng trị?

(Trần Văn Thành, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)

Trả lời:

Theo mô tả cá có thể bị bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas veronii gây ra. Để phòng bệnh, người nuôi áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tránh thả quá dày, kết hợp định kỳ khử trùng nước ao. Nếu nuôi lồng, định kỳ vệ sinh lồng và treo TCCA chậm tan để diệt mầm bệnh xung quanh lồng, kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả. Khi phát hiện có dấu hiệu bị bệnh cần gửi mẫu đi kiểm tra để có phương án xử lý kịp thời.

Khi cá bị bệnh cần tiến hành khử trùng nước ao nuôi, lồng nuôi, cho cá ăn kháng sinh Flophenicol (15 mg/kg cá), trong 5 – 7 ngày. Sau khi điều trị kháng sinh 2 ngày bổ sung chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa của cá và ao nuôi.

Hỏi: Xin cho hỏi cách phòng bệnh cho cá trắm đen trong giai đoạn chuyển mùa?

(Trần Nam Sơn, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình)

Trả lời:

Người nuôi cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp và thường xuyên kiểm tra theo dõi tình trạng sức khỏe của cá cũng như sự thay đổi chất lượng nước, tình hình thời tiết để có sự điều chỉnh hợp lý.

Khi thiết kế, ao nuôi cần có hệ thống ao cấp nước, quạt nước, sục khí để cung cấp ôxy và nước sạch kịp thời khi ứng phó với biểu hiện như cá nổi đầu… Định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, bơm thêm khi ao cạn nước, đảm bảo mực nước ổn định ở 1,5 – 2 m. Thường xuyên thay nước cũng là biện pháp tốt để kích thích sự phát triển của thức ăn tự nhiên trong ao. Định kỳ bón vôi 15 – 30 ngày/lần với lượng 2 – 3 kg vôi /100 m3 nước ao, hòa loãng té đều khắp mặt ao nuôi. Trước mùa dịch bệnh, người nuôi nên bổ sung thêm thuốc phòng bệnh. Loại thuốc thảo dược phổ biến có thể sử dụng như thuốc Tiên đắc (bột tỏi) trộn vào thức ăn viên ẩm với liều lượng 100 g thuốc dùng cho 500 kg cá/ngày cho ăn trong 3 ngày liên tục. Khi quan sát thấy cá có biểu hiện mắc bệnh cần xử lý bệnh sớm. Liều dùng thuốc chữa bệnh gấp 5 lần liều cho ăn phòng và cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.


Hỏi: Tu hài nuôi có hiện tượng sưng vòi, xung quanh có màng trắng nước, teo vòi và chết. Xin hỏi bị bệnh gì và cách phòng trị ra sao?

(Nguyễn Huy Tưởng, xã Quảng An, huuyện Đầm Hà, Quảng Ninh)

Trả lời:

Theo mô tả, có thể tu hài bị bệnh sưng vòi do vius Like particles ký sinh trong phần vòi của tu hài. Bệnh lây lan rất nhanh, tỷ lệ chết lên tới 100%.

Khi tu hài bị bệnh, việc chữa trị không có hiệu quả nên phòng bệnh là rất cần thiết. Người nuôi nên lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh; trong quá trình vận chuyển cần lưu ý hạ nhiệt độ để tu hài khỏe mạnh sau khi thả. Định kỳ vệ sinh dụng cụ nuôi 2 – 3 lần/tháng vào các ngày thủy triều thấp nhất; loại bỏ rác, sinh vật bám ở bề mặt rổ; từ tháng thứ 2 trở đi, bổ sung cát để tăng độ dày lên 15 – 20 cm. Thường xuyên kiểm tra yếu tố môi trường như độ mặn, độ pH. Nếu có dấu hiệu bất thường cần tiến hành điều chỉnh. Độ mặn là yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến sự bùng phát, phát triển của bệnh, độ mặn phù hợp là 30‰.   

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!