Phòng, trị một số bệnh trên cá lăng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá lăng là loài cá nhanh lớn, có thịt thơm ngon, không có xương dăm và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cá lăng có sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Do đó, người nuôi cần có những hiểu biết về phòng và trị một số bệnh thường gặp để hạn chế thiệt hại.

Bệnh trùng quả dưa

Nguyên nhân: Đây là bệnh do một loại ký sinh trùng có tên Ichthyophthirius multifiliis gây ra. Bệnh phát triển nhanh trong điều kiện nhiệt độ 22 – 25oC. Trùng quả dưa thường ký sinh vào da, mang, cản trở hô hấp của cá.

Dấu hiệu: Cá thường nổi trên mặt nước hoặc tập trung những nơi có dòng nước chảy. Khi cá bị nhiễm bệnh trên thân thường xuất hiện các lấm tấm trắng như vảy nhót, bệnh nặng làm cá loét cả mảng da, cá bệnh có biểu hiện nhào lộn, treo râu, lờ đờ, da nhợt nhạt. Bệnh xảy ra gây chết nhanh, nhiều nếu không xử lý kịp thời.

Điều trị: Sử dụng hỗn hợp H2O2 để tắm cho cá với lượng 70 ml/m3 và axit acetic lượng 30 ml/m3 trong thời gian 5 – 10 phút. Đồng thời kết hợp với trộn thuốc Praziquantel vào thức ăn, liều 1 g Praziquantel/20 kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục trong 5 ngày liên tục để tránh bị nhiễm sán gây chết nhanh cho cá do cản trở hô hấp. Hoặc có thể dùng Formalin, nồng độ 150 – 200 ml/m3 nước, tắm trong 5 – 10 phút, thực hiện 2 ngày/lần và liên tục trong 3 ngày. Do vòng đời của trùng quả dưa có giai đoạn bào nang rất khó điều trị nên cần phải tắm nhắc lại để loại bỏ được mầm bệnh. Lưu ý, trong quá trình tắm cần tăng cường ôxy hòa tan và theo dõi tình trạng cá.

Vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trên đĩa thạch BHI

Bệnh gan thận mủ

Nguyên nhân: Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Edwardsiella tarda, Edwardsiella ictaluri. Vi khuẩn Edwardisella là vi khuẩn gram âm, hình que mảnh, kích thước 1 x (2 – 3) mm, không sinh bào tử, chuyển động nhờ vành tiêm mao.

Bệnh thường xuất hiện khi trong môi trường ao nuôi xấu, nước ao bị ô nhiễm. Một số trường hợp cho thấy, nuôi cá với mật độ quá dày cũng là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh có cơ hội bùng phát. Nhiệt độ thích hợp để bệnh phát triển khoảng 30oC.

Dấu hiệu: Khi nhiễm bệnh, cá sẽ mất chức năng vận động do vây đuôi bị tưa rách. Có thể xuất hiện những vết thương bên dưới biểu bì, cơ, các vết thương này bị hoại tử và lây lan rộng sang vùng lân cận. Để điều trị bệnh, cần dùng kháng sinh Florphenicol hoặc Doxycycline liều lượng 3 – 5 g/100 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 7 ngày. Đồng thời bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá ăn với liều lượng 2 – 3 g/100 kg cá/ngày, ăn liên tục 5 ngày. Thuốc được trộn vào thức ăn viên có áo dầu hoặc chất kết dính.

Bệnh nấm thủy mi

Nguyên nhân: Bệnh do một số giống nấm: Leptolegnia, Aphanomyces, Saprolegnia và Achlya gây ra. Do thời tiết lạnh, cá bị xây xát tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, bệnh xảy ra vào thời tiết lạnh nhiệt độ 18 – 25oC.

Dấu hiệu: Bệnh này khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Khi mắc bệnh, cá có biểu hiện gầy, màu sạm đi, ngứa ngáy. Trên da xuất hiện vùng trắng xám nhỏ. Để lâu dần sẽ gây nguy hiểm cho cá.

Điều trị: Sử dụng CuSO4 để tắm cá 1 lần/ngày với liều lượng 7 – 10 g/m3. Hoặc sử dụng Methylen 2 – 3 ppm để điều trị.

Bệnh xuất huyết

Nguyên nhân: Bênh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Chúng là vi khuẩn gram âm, hình que, có khả năng di động.

Dấu hiệu: Cá bệnh có biểu hiện bên ngoài là da thường xuyên chuyển màu tối, không có ánh bạc, cá mất nhớt, khô ráp, xuất hiện các đốm xuất huyết đỏ trên thân, vùng đầu, quanh miệng, các gốc vây. Giải phẫu nội tạng thấy ruột không có thức ăn, ổ bụng tích nhiều dịch máu, gan xung huyết và thận nhũn, tích nhiều dịch máu. Các đốm trắng không thấy xuất hiện trên nội tạng của cá lăng bệnh.

Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Doxycyline để điều trị bệnh xuất huyết trên cá lăng sẽ cho hiệu quả cao. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phòng bệnh tổng hợp

Trong quá trình nuôi, để phòng bệnh, cần lựa chọn con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Trước khi thả cần ngâm cá trong nước muối 2% để khử trùng và tập cho cá làm quen với môi trường nước trước. Sát trùng các dụng cụ như lưới, vợt, sọt, ống dây bằng Chlorine 10 – 15 g/m3 trong 30 phút, rửa nước sạch và phơi khô sau khi sử dụng.

Chà rửa sàng ăn mỗi ngày để tránh nấm, sinh vật ký sinh, vi khuẩn bám làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.

Treo các túi vôi ở các góc lồng nuôi nhằm khử khuẩn, ổn định môi trường nước, phòng mầm bệnh. Thông thường, 1 tháng treo 1 lần, tuy nhiên vào thời điểm xuất hiện bệnh nhiều, có thể 2 tuần treo một lần. Vị trí treo túi vôi thích hợp là ở khu vực cho ăn, ở đầu và cuối lồng nuôi, hoặc ở đầu nước chảy là tốt nhất. Khử trùng lồng nuôi 15 ngày/lần bằng Iodine hoặc BKC (liều lượng theo nhà sản xuất).

Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, đặc biệt vào mùa mưa nước có chứa nhiều nhiều phù sa và lắng đọng nhiều ở đáy lồng. Việc vệ sinh lồng cần được thực hiện trước khi cho ăn. Loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng.

Hàng ngày quan sát hoạt động của cá, khả năng bắt mồi và các hiện tượng bất thường khác để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong quá trình nuôi, cần bổ sung thêm các chất khoáng, Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá. Theo dõi cá, nếu cá bỏ ăn, kém thì cần trục vớt cá để lấy mẫu xét nghiệm và có hướng điều trị đúng phác đồ.

Hạn chế các hoạt động gây stress cho cá như: thay đổi nhiệt độ, ôxy hòa tan và khi đánh bắt, vận chuyển cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm cá xây xát.

Cá chết được vớt ra khỏi ao/lồng càng sớm càng tốt. Không vứt cá chết bừa bãi ra sông, trên mặt đất, cần được chôn vào hố cách ly có rải vôi bột để tiệt trùng. Vào thời điểm giao mùa, nắng mưa xen kẽ, không nên cho cá ăn cá tạp tươi sống. Thức ăn cần được nấu chín hoặc sử dụng thức ăn viên.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!