(TSVN) – Trong khi động vật máu nóng thường tăng nhiệt độ cơ thể để hạn chế nhiễm mầm bệnh, thì trong một quá trình được gọi là sốt, động vật máu lạnh (ectotherms) có thể đạt được kết quả tương tự bằng cách di cư đến những nơi ấm hơn, trong một quá trình gọi là “sốt hành vi”.
Theo thông tin từ Thefishsite, mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Ghent (Bỉ) đã kiểm tra sự tồn tại và tác động của bệnh sốt hành vi ở tôm thẻ Penaeus vannamei bị nhiễm virus hội chứng đốm trắng (WSSV) và chỉ ra rằng tôm nếu được di chuyển đến vùng nước ấm hơn trong thời gian bùng phát WSSV sẽ có cơ hội sống sót cao hơn đáng kể. Trong nghiên cứu, tôm có trọng lượng 15 ± 0,5 g/con được tiêm cơ với WSSV và được giữ trong hệ thống bốn ngăn (4-CS); trong đó, tất cả các ngăn đều ở 27°C hoặc các ngăn có sự tăng nhiệt độ (tương ứng 27 – 29 – 31 – 33°C). Trong 4 ngày đầu tiên sau khi tiêm chủng, 94% tôm được tiêm WSSV đã chết trong 4-CS với nhiệt độ cố định (27°C), trong khi chỉ có 28% số tôm được tiêm WSSV chết trong hệ thống có nhiệt độ cao hơn.
Các nhà khoa học cho biết, các động vật được tiêm chủng đã thể hiện rõ ràng sự di chuyển về phía các ngăn ấm hơn, trong khi điều này không xảy ra với các động vật mô phỏng và không được tiêm chủng. Với nuôi cấy tế bào cơ quan bạch huyết nguyên phát, người ta đã chứng minh rằng việc tăng nhiệt độ từ 27 – 29°C lên 31 – 33°C sẽ ức chế sự nhân lên của virus. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, tùy thuộc vào môi trường, nhiễm WSSV có thể gây ra tỷ lệ tử vong cực cao lên tới 100% trong vòng 3 – 10 ngày và virus có thể nhân lên ở các vật chủ nhạy cảm, chẳng hạn như tôm, tôm càng và cua ở nhiệt độ từ 16 đến 32°C.
Được biết, bệnh đốm trắng không có biện pháp điều trị, người nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh trong quá trình nuôi như sau: (1) Cải tạo ao: Cần sên vét hết bùn đen từ vụ trước, diệt hết các loài giáp xác có khả năng mang mầm bệnh; cần chú ý vệ sinh kỹ để loại bỏ mầm bệnh từ đợt nuôi trước. Ao nuôi cần có hàng rào ngăn các loại giáp xác xâm nhập vào ao nuôi và phải có lưới ngăn chim; (2) Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có ao lắng, ao xử lý nước. Nguồn nước trước và sau khi sử dụng phải được xử lý, tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng. Nước cấp vào ao phải lọc qua lưới dày để tránh trứng và ấu trùng của giáp xác mang bệnh đốm trắng; (3) Lựa chọn con giống đạt chất lượng, kiểm tra bằng cảm quan kết hợp với xét nghiệm bằng phương pháp RT PCR, nhằm loại bỏ những lô tôm giống mang mầm bệnh; (4) Để hạn chế lây lan giữa các ao, không nên sử dụng chung các dụng cụ. (5) Lượng thức ăn cho tôm không để dư thừa, sử dụng thức ăn có chất lượng và bổ sung Vitamin C, Beta – glucan và các chế phẩm vi sinh định kỳ nhất là thời điểm giao mùa và những tháng cuối năm; (6) Không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh; (7) Hạn chế người, động vật vào khu vực nuôi.
Ngọc Hân