T2, 06/07/2020 09:55

Phụ nữ – một phần quan trọng của ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam cho sự phát triển của ngành thủy sản. Vai trò của họ đang ngày càng được xã hội ghi nhận.

Ông Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch thường trực VINAFIS:

“Họ là những người cần cù, chịu khó và cẩn thận”

Phụ nữ tham gia vào hầu hết các hoạt động sản xuất, bao gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần. Nhưng nhiều nhất có lẽ là vào hai lĩnh vực là nuôi trồng và chế biến. Điển hình trong lĩnh vực nuôi có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, người đã có nhiều đóng góp cho ngành thủy sản; Trong lĩnh vực chế biến, tiêu biểu có Cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh; Trong lĩnh vực khai thác có chị Nguyễn Thị Hồng – người nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam đã cùng các thủy thủ trên tàu đổ 50 tấn cá cơm xuống biển cho thuyền nhẹ bớt để giành lại sự sống cho 36 người trong cơn bão Linda kinh hoàng năm 1997. Những người phụ nữ trong nghề cá đều cần cù, chịu khó và cẩn thận. Tuy nhiên, họ phải chịu nhiều gánh nặng về gia đình. Nếu không, chắc chắn họ sẽ thành công hơn nữa.

 

Ông Ngô Tiến Chương – Điều phối viên Chương trình Nuôi trồng của WWF:

Luôn mềm dẻo và có khả năng thuyết phục tốt

Trong nghề cá truyền thống quy mô nhỏ, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Các hoạt động phục vụ như vá lưới, cung cấp thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu do lao động nữ thực hiện đã tạo ra thu nhập đáng kể, cải thiện vị thế kinh tế của người phụ nữ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi. Riêng trong các hoạt động bán lẻ thủy sản, nữ giới chiếm tỉ lệ đến 90%. Tuy nhiên, vai trò của họ lại ít khi được nhắc đến. Khi là người lãnh đạo, phụ nữ có những ưu điểm như luôn mềm dẻo và có khả năng thuyết phục tốt. Tuy nhiên, họ cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, bất lợi.

Nữ giới chiếm số lượng lớn trong ngành chế biến thủy sản      Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Ông Nguyễn Tử Cương – Giám đốc Trung tâm FITES:

Năng động vượt khó vươn tới thành công

 Theo tôi, ở cùng thang bậc thành công, đàn ông cố gắng một thì phụ nữ phải cố gắng gấp đôi hoặc nhiều hơn. Bởi lẽ sau khi rời ghế nhà trường, với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ chỉ có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp sau 8 – 10 năm. Nói chính xác hơn là suốt cả cuộc đời, người phụ nữ vẫn phải giành nhiều thời gian, tâm sức hơn người đàn ông để chăm lo cho tổ ấm gia đình.

Là một người làm việc lâu năm trong ngành thủy sản, tôi thấy phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chế biến thủy sản chiếm tỉ lệ cao, trong đó, phụ nữ làm Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc chiếm hơn 50% và phụ nữ cũng chiếm tỉ lệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tôi đã có dịp làm việc với nhiều phụ nữ thành đạt trong ngành thủy sản và hiện nay (sau khi đã nghỉ hưu không có dịp tiếp xúc nhiều), nhưng ấn tượng về tài năng, sự cố gắng và năng động vượt qua khó khăn để vươn tới thành công của họ vẫn còn đọng lại, ví dụ như Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Thủy sản Phú Thạnh Phan Thị Minh Tuệ, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang Phan Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Phú Quốc Thanh Hà Nguyễn Thị Nguyệt Hà và rất nhiều người khác.

Theo tôi, nguyên nhân thành công của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế thủy sản chính là vì họ có sự cố gắng vượt bậc trong học tập, tích lũy kinh nghiệm cùng thế mạnh là sự chu đáo, tỉ mỉ, cách tiếp cận nhẹ nhàng với nụ cười thân thiện.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!