(TSVN) – Phụ phẩm của ngành công nghiệp rượu vang đang được chứng minh là một nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất thức ăn cho cá. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, việc bổ sung chiết xuất từ bã nho vào thức ăn của cá chẽm giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng thịt của cá.
Thức ăn thủy sản cũng dựa vào các thành phần như ngũ cốc, trong đó đậu nành, bột cá, dầu cá chiếm tỷ lệ quan trọng nhất. Do đó, tính bền vững của nguyên liệu thức ăn là một thách thức quan trọng đối với ngành nuôi thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức đã bắt đầu xảy ra từ những năm 1980, khiến trữ lượng cá suy giảm. Thức ăn làm từ ngũ cốc cũng sử dụng đất trồng trọt, góp phần gây ra thảm họa môi trường như nạn phá rừng.
Hiện nay, việc tái chế những phụ phẩm nông nghiệp dùng trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm cho con người là một ý tưởng thú vị về phát triển nguyên liệu thức ăn thủy sản bền vững. Những phụ phẩm tiềm năng phải kể đến sản phẩm của ngành công nghiệp rượu vang, chẳng hạn như bã nho và chiết xuất cụ thể (ví dụ oligo-procyanidins từ hạt nho) có thể trở thành phụ gia hữu ích trong chế độ ăn của cá biển. Những chiết xuất này đã được chứng minh công dụng chống ôxy hóa và cải thiện chất lượng thịt cá.
Laboratoires Phodé, công ty sản xuất phụ gia từ chiết xuất thực vật tại Pháp, đã phát triển Olpheel Anti-Ox (OAO), phụ phẩm rượu vang cô đặc và tiến hành nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của phụ gia này đến khả năng chống ô xy hóa và chất lượng thịt của cá chẽm châu Âu (Dicentrarchus labrax). Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Almeria, Tây Ban Nha.
Mục tiêu của nghiên cứu sơ bộ này nhằm kiểm tra các 3 tác động sinh học của chiết xuất cô đặc từ phụ phẩm rượu vang đặc biệt giàu oligo-procyanidines trong thức ăn của cá chẽm non gồm: tình trạng ôxy hóa của cá, chức năng của hệ vi sinh đường ruột, và quá trình ôxy hóa fillet ngay sau giết mổ và bảo quản một tuần.
Thử nghiệm gồm 120 con cá chẽm non có khối lượng trung bình 46,35 ± 0,12 g chia đều thành 6 nhóm trong điều kiện môi trường được kiểm soát độ mặn (37‰), nhiệt độ (19°C) và chu kỳ sáng (10L:14D). Thức ăn thử nghiệm (khẩu phần đối chứng và khẩu phần bổ sung 80mm Olpheel Anti-Ox) được chuẩn bị bằng máy ép đùn quy mô phòng thí nghiệm. Cá được cho ăn 4 bữa/ngày, kéo dài trong 5 tuần.
Kết quả cho thấy hàm lượng enzyme chống ôxy hóa superoxide dismutase (SOD) trong nhóm OAO đạt 7.38 ± 0.63 U SOD/mg SP, cao hơn đáng kể so với mức 6,80 ± 0,34 của nhóm đối chứng. Đây là dấu hiệu đầu tiên chứng minh tác động tích cực của OAO đối với tình trạng chống ôxy hóa.
Hạt nho rất giàu procyanidin, một loại polyphenol có oligomer (oligoprocyanidins) giúp loại bỏ gốc tự do ra khỏi cơ thể và có hoạt tính sinh học mạnh mẽ. Những phân tử này đã tương tác với hệ vi sinh đường ruột cá chẽm và tạo ra những chuyển biến tích cực.
Tác dụng của OAO về chống ôxy hóa thịt cá trong ngày bảo quản đầu tiên sau giết mổ cũng được ghi nhận. Vào ngày thứ hai, cơ thịt của mẫu cá được cho ăn OAO có hàm lượng 261.23 pmol MDA/ mg protein, trong khi mẫu cá đối chứng có 457.47 pmol MDA/ mg protein. Theo nhóm nghiên cứu, mức MDA càng thấp, thì quá trình ôxy hóa càng giảm. Malondialdehyde (MDA) là một trong những sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid. MDA của nhóm cá bổ sung OAO luôn thấp hơn nhóm đối chứng, thậm chí sau 6 ngày bảo quản.
Những kết quả trên cho thấy Olpheel Anti-Ox cải thiện tình trạng chống ôxy hóa và chất lượng thịt cá. Lợi ích của Olpheel Anti-Ox rõ ràng ngay cả khi không có thách thức về quá trình ôxy hóa hoặc căng thẳng. Nhóm chuyên gia cho biết sẽ nghiên cứu sâu hơn để đánh giá tác động của OAO lên các thông số sinh lý khác của cá.
Vũ Đức
Theo Aquafeed