T2, 06/07/2020 10:36

Phú Quý (Bình Thuận): Ưu tiên đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Là huyện đảo tiền tiêu, nên Phú Quý luôn “nhạy cảm” với các hiện tượng thời tiết cực đoan trên biển. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn luôn được địa phương ưu tiên chú trọng.

Với bờ biển được bao quanh chủ yếu là các bãi ngang nên Phú Quý rất dễ bị ảnh hưởng thiên tai. Ngoài ra, tình hình thời tiết luôn diễn biến phức tạp trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xảy ra thường xuyên với mức độ khó lường, dẫn đến tình trạng xói lở bờ biển của đảo ngày một gia tăng đã gây ra những thiệt hại đáng kể. Trong khi đó, mặc dù trang thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai trong những năm gần đây đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là từ khi Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ –  thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Phú Quý đi vào hoạt động, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng tham gia chưa được tập huấn, đào tạo ứng phó với tình huống cụ thể nên gặp nhiều khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân còn chủ quan trong công tác phòng tránh bão, nhất là ở các khu vực nguy hiểm, nhiều hộ dân tuy đã được tuyên truyền hướng dẫn nhưng vẫn không chịu thực hiện.

 

Tàu thuyền neo đậu tại Phú Quý.

Theo Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện cho biết, đối với Phú Quý khi có mưa bão, 2 nhiệm vụ quan trọng nhất được huyện ưu tiên chú trọng là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển và tuyên truyền, vận động bà con chằng chống nhà cửa kiên cố, di tản nhân dân ra khỏi những nơi xung yếu, nguy hiểm.

Hiện toàn huyện có trên 1.200 tàu thuyền đang hoạt động, với số lượng tàu thuyền lớn, cộng với ý thức của ngư dân chưa cao nên công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn khi có bão vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các khu vực neo đậu an toàn cho tàu thuyền tránh trú bão ở địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số dự án xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn do thiếu kinh phí nên không thể triển khai, nhiều tàu thuyền phải đi trú bão ở các nơi khác, chỉ một số ít thuyền nhỏ được kéo lên bờ. Không ít trường hợp tàu thuyền neo đậu trong cảng do sóng to, gió lớn tự va đập vào nhau gây ra những thiệt hại không nhỏ về tài sản.

Ngoài ra, hiện nay nuôi trồng thủy sản trong lồng bè trên biển ở địa phương đang phát triển. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 108 cơ sở nuôi hải sản với diện tích gần 15.000m2, khi có gió bão nhiều hộ nuôi muốn ở lại để trông coi nên rất nguy hiểm. “Do vậy chúng tôi đã yêu cầu các xã hướng dẫn các hộ nuôi trồng hải sản cần gia cố các lồng bè thật an toàn khi có bão, vận chuyển các lồng bè hay vật nuôi đến nơi ít bị ảnh hưởng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Ngoài ra khi bão chuẩn bị đổ bộ, chính quyền huyện đã đến vận động từng hộ dân trong vùng nguy hiểm di tản đến các công trình công cộng kiên cố hoặc đến nhà người thân ở sâu trong đảo để trú bão. Huyện còn chú ý đến công tác phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn huyện như quân đội, biên phòng…để làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả”, ông Huỳnh Văn Hưng cho biết thêm.       

Đình Nhượng

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!