Phú Thọ: Khắc phục thiệt hại về cá lồng trên sông Đà

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ ngày 24/6 đến sáng ngày 26/7, hồ thủy điện Hòa Bình đã mở 3 cửa xả đáy nhằm tiêu thoát lượng nước từ đầu nguồn đổ về, bảo đảm an toàn hồ cho hồ chứa. Tuy nhiên, việc mở cửa xả đáy hồ thủy điện làm mực nước sông Đà tăng cao, kéo theo lượng bùn thải và nguồn nước từ một số mỏ khai thác khoáng sản tràn ra khiến một số hộ nuôi cá lồng trên sông Đà thuộc huyện Thanh Thủy bị thiệt hại nặng.

Gia đình ông Mạc Kế Nghiệp thu gom cá lồng bị chết.

Dòng sông Đà bình thường vốn nước trong xanh ngăn ngắt, lững lờ trôi nhẹ từ tỉnh Hòa Bình, qua huyện Thanh Sơn xuôi qua Thanh Thủy để hợp về ngã ba sông vừa là cảnh đẹp nên thơ trữ tình, vừa là vựa nuôi cá lồng lý tưởng cho các hộ ven sông. Nhờ cá lồng, hàng chục hộ ven sông đã trở thành tỷ phú, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được xe ô tô, nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Cá chết có hiện tượng trọc vảy, nổi nhọt nước ở khu vực vây sống lưng.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, do biến đổi khí hậu, thiên tai thường xuyên xảy ra, khi thì nước cạn kiệt, khi thì mưa lớn khiến Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phải mở cửa xả đáy khiến cho người nuôi cá lồng điêu đứng. Thời hoàng kim, chỉ tính riêng huyện Thanh Thủy đã có gần 200 lồng cá trên sông kéo dài từ xã Tu Vũ đến xã Xuân Lộc, có những hộ có tới 60-70 lồng cá, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn cá đặc sẳn như lăng, trắm đen, chép, nheo, ngạnh, diêu hồng… thu về tới hàng chục tỷ đồng tiền lãi.

Nhưng khoảng 5-6 năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng ở Thanh Thủy bắt đầu trở nên điêu đứng, nguyên nhân chính vẫn là do biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến thất thường. Đến nay, cả huyện chỉ còn khoảng trên dưới 50 lồng cá, nhưng cũng chỉ trong tình trạng cầm chừng, không còn được các chủ lồng đầu tư thâm canh như trước kia.

Cá giống diêu hồng bị chết.

Ông Mạc Kế Nghiệp, chủ hơn 30 lồng cá ở khu 1, xã Thạch Đồng, bị thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng do thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy trong những ngày vừa qua tâm sự: “Khi nhận được tin Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy số 1, gia đình tôi đã liên hệ để tiêu thụ bớt lượng cá đã đến tuổi xuất bán, vận chuyển một số cá giống và khu vực trong đê. Tuy nhiên, do lượng cá lớn, lại kèm thêm nhiều đợt mưa lớn trên thượng nguồn khiến nước dồn về nên không kịp tiêu thụ và vận chuyển dẫn đến lượng cá chết lớn, đến nay đã chết trên 10 tấn, chủ yếu là cá từ 1-3kg/con. Đây là lần thứ 4 gia đình tôi bị thiệt hại do thiên tai. Năm 2017, gia đình tôi chết trên 20 tấn cá, thiệt hại khoảng 2,8 tỷ đồng; năm 2020, bị chết khoảng 6 tấn; năm 2021 chết cũng khoảng 6-7 tấn; năm nay đã chết hơn 10 tấn rồi. Tính ra, từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi bị thiệt hại do thiên tai lên đến hơn 5 tỷ đồng. Mấy ngày hôm nay, ngày nào cá cũng chết nổi trắng lồng, ngày ít 3-5 tạ, ngày nhiều lên đến hơn tấn. Giờ chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ chúng tôi về kinh phí để mua con giống, tiếp tục khôi phục và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà”.

Một lồng nuôi cá giống đang có hiện tượng lờ đờ nghi do sặc bùn, thiếu oxy

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 7h ngày 26/7, huyện Thanh Thủy có 2 hộ nuôi cá lồng thuộc xã Thạch Đồng có cá bị chết, trong đó có 2 lồng thiệt hại dưới 30% và 4 lồng thiệt hại trên 70%. Tổng lượng cá lồng bị chết trên 11 tấn, tổng thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Luyện – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện, UBND xã Thạch Đồng tiến hành kiểm tra, đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, xem xét có chính sách hỗ trợ người nuôi; đồng thời động viên, hướng dẫn các gia đình bị thiệt hại, kịp thời thu gom, xử lý xác cá chết, vệ sinh làm thông thoáng mặt lồng nuôi để tránh gây ô nhiễm môi trường nước và giảm thiểu thiệt hại cho những lồng cá còn lại. Hướng dẫn người nuôi chuyển bớt các lồng có cá vào khu vực an toàn, đẩy mạnh tiêu thụ cá đã đủ tuổi xuất bán. Đồng thời, Phòng cũng thông báo với Chi cục Thủy sản, Sở TN&MT để tiến hành lấy mẫu nước kiêm tra, đề xuất biện pháp xử lý, hạn chế thiệt hại gia tăng. Đề nghị các chủ lồng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiếp, tiếp tục vận chuyển cá giống, cá nuôi thương phẩm vào khu vực an toàn…

Phan Cường
Nguồn: Báo Phú Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!