Mở đầu câu chuyện về con cá chép đỏ, ông Bùi Văn Chữ – Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ thôn Thủy Trầm (Tuy Lộc, Cẩm Khê – Phú Thọ) cho chúng tôi hay: “Đời sống vật chất của người dân càng khá giả thì con người dành sự quan tâm đến vấn đề văn hóa tâm linh ngày một cao. Chính vì thế, con cá chép đỏ quê tôi làm ra cung không đủ cầu. Nhất là kể từ giữa tháng 6 vừa rồi, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận thôn Thủy Trầm là làng nghề, đó là điều kiện hết sức thuận lợi để con cá chép đỏ của chúng
Cũng theo ông Chữ thì nghề nuôi cá ở đây xuất hiện manh mún từ những năm 60, riêng cá chép đỏ được nuôi cách đây chừng 30 năm. Khởi đầu người dân có nhiều bỡ ngỡ, diện tích nuôi không nhiều lại chưa có kinh nghiệm trong việc ươm nuôi và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ngày ấy thị trường chủ yếu là ở mấy chợ đầu mối của Việt Trì như: Chợ Vồ (Nông Trang), chợ Trung tâm, chợ Gia Cẩm… Càng về sau, khi bà con truyền nhau kinh nghiệm nuôi từ con cá bột, đến cá hương rồi thả ao, cách chăm sóc, phòng bệnh… đến nay hầu như nhà nào cũng có ao nuôi cá. Thủy Trầm có 3 khu hành chính, trong đó khu 3 được xem như “vựa” cá chính của thôn. Khu này có 133 hộ thì hầu như 100% là nuôi cá chép đỏ với diện tích ước khoảng 28,3 ha. Lợi nhuận từ con cá cao gấp nhiều lần so với cây lúa truyền thống, nên nhà nhà đào ao thả cá, diện tích cấy lúa vì thế bị thu hẹp dần. Với giá bán 100 ngàn đồng/kg (30 – 40 con) thì một năm sẽ thu về khoảng gần 50 triệu đồng/ha.
Ông Kỷ nuôi một tạ cá chép bố mẹ, cung cấp giống cho các hộ trong thôn.
Tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu nuôi thả cá chép đỏ. Theo ông Hà Công Kỷ – người có 4 năm kinh nghiệm nuôi cá chép bố mẹ: “Một tháng trước khi cho cá đẻ, thức ăn chủ yếu là thóc ngâm. Cá mẹ đẻ xong chuyển sang cho ăn ngô, cá bột ươm nuôi trong ao riêng phải cho ăn đỗ tương. Nguồn nước nuôi cá đảm bảo sạch (nước giếng khoan), được lưu thông thường xuyên tránh bệnh tật Trong khoảng thời gian 5 – 6 tháng ấy, người nuôi có cách chăm sóc làm sao cho cá không lớn quá nhanh, để đến khi thu hoạch cá bằng hai đầu ngón tay là vừa đẹp. Cá chép ở Thủy Trầm đỏ màu cờ, mắt xanh đen và không có đốm đen. Vài ba năm trở lại đây, mỗi năm có tới 70 tấn cá đỏ cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang… phục vụ tết ông Công ông Táo.
Cứ vào dịp thu hoạch cá (từ 15 – 22 tháng Chạp), chợ cá đầu thôn nhộn nhịp kẻ bán người mua với đủ loại phương tiện từ khắp mọi nơi đổ dồn về đây để thu mua chuyển đi các tỉnh. Theo lời kể của ông Trưởng làng nghề: "Để đảm bảo cá không bị ngạt, chết thì trước khi chuyển cá đi xa hàng trăm cây số, dân làng tiến hành đánh bắt cá và ép trong ao nhỏ (lồ ép) để tăng sức dẻo dai, thích nghi với môi trường mới. Những đêm ấy khắp cánh đồng thôn sáng điện như thành phố thu nhỏ".
Khi được hỏi về lợi nhuận con cá chép đỏ mang lại, ông Kỷ cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi thu được trên dưới 2,5 tạ cá, trừ chi phí lãi được 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, để tận dụng diện tích mặt nước vào những tháng đầu năm gia đình còn nuôi các loại cá giống khác, đất vườn làm rau giống vụ đông, nếu thuận thì cũng lãi được trên dưới 60 triệu đồng/năm”. Ngoài gia đình ông Kỷ còn có hộ ông Hà Công Vụ, Nguyễn Công Vui, Hà Công Lợi… họ đều là những cựu chiến binh thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi cá chép đỏ.
Chỉ còn hơn tháng nữa, người dân thôn Thủy Trầm bắt tay vào thu hoạch vụ cá mới. Con cá chép năm nay hứa hẹn mùa vụ thắng lợi, mang lại cho người dân nơi đây cái Tết đầy đủ, sung túc hơn.
Hồng Nhung
Theo Báo Phú Thọ