Lâu nay về Thanh Thủy chúng tôi vẫn nghe bà con tiểu thương ở các chợ nhắc nhiều đến con cá làng Thủy Trạm, xã Sơn Thủy, vậy mà mới đây trong dịp khảo sát đánh giá thực trạng của một số làng nghề trên địa bàn huyện này tôi mới có dịp tìm hiểu.
Thì ra con cá là sản phẩm đặc trưng của Làng nghề sản xuất và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Thủy Trạm. Tuy làng nghề mới được UBND tỉnh công nhận từ cuối năm 2012, nhưng nghề nuôi thả cá ở đây đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa từ hàng chục năm nay. Cái hay của làng là khép kín quy trình sản xuất từ khâu sản xuất ra con giống đến khi cung cấp các sản phẩm cá thịt thương phẩm cho thị trường, tiêu thụ khắp các tỉnh thành miền núi phía Bắc như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…
Ông Hoàng Minh Tiến – Trưởng làng nghề cho biết: Làng nghề nằm trọn trên địa bàn thôn Thủy Trạm gồm 3 khu hành chính là các khu: 1,2,3 với 772 hộ, trong đó số hộ làm nghề chiếm 66% thu hút hơn 650 lao động tham gia. Tổng diện tích chuyên nuôi trồng thủy sản của làng gần 100 ha, ngoài ra còn có 127,8 ha cấy 1 vụ lúa, thả 1 vụ cá. Để nâng cao hiệu quả sản xuất các hộ dân đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước khoanh vùng, đắp bờ bao, đầu tư kè bờ, củng cố hệ thống kênh mương nhằm chủ động nguồn cung ứng nước cho hệ thống các ao nuôi và kịp thời tiêu thoát nước vào mùa mưa. Ngay như hộ ông Tiến đã đầu tư hàng chục triệu đồng để đào đắp và kè bờ cho 3 khu ao, trong đó có 2 khu ương nuôi cá giống, 1 khu chuyên cá thịt. Nuôi cá kết hợp với nuôi lợn và gia cầm, mỗi năm gia đình ông Tiến có thu nhập khoảng 150 triệu đồng, đời sống tương đối ổn định.
Hiện nay ở Làng nghề sản xuất và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Thủy Trạm, xã Sơn Thủy có gần 100ha diện tích mặt nước chuyên nuôi thả các giống cá truyền thống, cá đặc sản. Nhiều hộ dân đã kết hợp nuôi cá với nuôi vịt đẻ trứng cho thu nhập cao.
Từ hàng chục năm nay người dân làng Thủy Trạm đã khéo khai thác thế mạnh của đặc thù tự nhiên vùng đất ven sông Đà, nhiều đồng chiêm trũng để nuôi thả cá. Nếu như trước kia, người dân chủ yếu nuôi các giống cá tạp, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, thì từ năm 2000 trở về đây nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi thả các giống cá đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như: Trắm đen, cá nheo, rô phi đơn tính… Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong quá trình nuôi và trị bệnh cho cá được chú trọng. Theo ông Hoàng Minh Tiến: “Khó khăn nhất trong quá trình nuôi cá thành phẩm chính là vấn đề phòng trừ dịch bệnh, bởi có những thời điểm cá nhiễm bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thế nhưng với tâm huyết làm nghề, phát triển nghề, các hộ dân trong làng đã luôn cố gắng tích lũy kinh nghiệm đảm bảo chăn nuôi an toàn. Hiện nay được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chúng tôi đang tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGap để đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản mang tính bền vững”.
Tính riêng trong năm 2013, làng nghề sản xuất và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Thủy Trạm đã cung cấp cho thị trường 407 tấn cá thương phẩm, 67 triệu con cá bột và 77 tấn cá giống các loại. Tổng doanh thu từ nghề đạt trên 12 tỷ đồng. Năm 2014 làng đang phấn đấu nâng tổng sản lượng cá thương phẩm đạt trên 600 tấn, cá giống trên 80 tấn. Nhờ nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa nên mức thu nhập của các hộ dân làng nghề ngày càng được nâng lên, nhiều hộ nuôi cá kết hợp với nuôi lợn, vịt cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm như hộ ông Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Bá Minh, Nguyễn Văn Thoan, Nguyễn Ngọc Sơn, Hoàng Minh Tiến… Bên cạnh những hộ cho thu nhập khá thì đa số các hộ làm nghề đều có mức thu nhập trung bình từ 60 – 100 triệu đồng/năm. Trong đó đáng chú ý trong làng có hộ ông Nguyễn Hữu Ích mạnh dạn đầu tư xây dựng trại sản xuất cá giống trên diện tích 10 ha, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường 70 – 80 vạn con giống các loại.
Tuy nhiên qua tìm hiểu, trăn trở lớn nhất của làng nghề hiện nay chính là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, bởi con cá đặc thù khác với các sản phẩm gia súc, gia cầm nếu không được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thì việc mở rộng thị trường, lưu thông tiêu thụ ở tỉnh ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn do vướng phải các rào cản trong quá trình kiểm dịch sản phẩm. Một khó khăn nữa là nội lực của làng nghề còn hạn chế, vốn đầu tư cho sản xuất thiếu, việc nuôi trồng thủy sản vẫn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, có tới 20% hộ nuôi trồng thủy sản trên diện tích ao nuôi nhỏ lẻ chưa có sự đầu tư nên hiệu quả kinh tế không cao.
Từ những thực trạng nêu trên, người dân mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương để Làng nghề sản xuất và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Thủy Trạm có sự bứt phá vươn lên, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức sống, mức thu nhập cho nhân dân.