Phú Thọ: Mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn ở Quang Húc

Chưa có đánh giá về bài viết

Xã Quang Húc (Tam Nông), nằm dọc hai bên bờ sông Bứa. Để khai thác tiềm năng, lợi thế đoạn sông gần 3 km chảy qua từ lâu một số hộ dân trong xã đã đánh bắt tự nhiên, nuôi cá lồng, song hình thức và quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả không cao.

Sau khi được Liên minh HTX, Chi cục Thuỷ sản tổ chức đi tham quan mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn ở Hải Dương, một số hộ trong xã đã áp dụng làm theo . Bước đầu đã có 6 hộ xây dựng trên 30 lồng nuôi cá lăng chấm, trắm đen, rô phi đơn tính… trong số đó tiêu biểu là hộ anh Vũ Văn Hợp có 5 lồng nuôi cá lăng chấm, rô phi đơn tính. Anh Hợp cho biết: Trước đây đã có nhiều người ở địa phương nuôi cá lồng, lồng cá được đóng bằng tre, bương, hóp, bên trong lót vải màn để cá khỏi va chạm. Cách làm ấy tuy có hiệu quả hơn nuôi quảng canh, song có hạn chế quy mô lồng nhỏ, thể tích chỉ vài chục m3 một lồng, lồng làm bằng tre, gỗ ngâm nước lại mau hỏng, quá trình nuôi dễ bị thủng nên nuôi hiệu quả không cao. Bây giờ người nuôi chuyển sang làm lồng bằng vật liệu hiện đại. Khung  hàn bằng ống nước, lồng được làm bằng lưới dù hai lớp,  phao nổi là thùng phi nhựa, mỗi chiếc thể tích lên tới 80-90 m3, có thể kết nối nhiều lồng lại thành hệ thống dãy, bên trên làm nhà bè kiên cố đầy đủ tiện nghi để ăn, ở, trông nom chăm sóc cá. 

Sau gần một năm đầu tư, đến nay mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn của gia đình anh Vũ Văn Hợp ở xã?Quang?Húc đã cho thu hoạch, bình quân cá lăng đạt 2kg/con. 

Sau gần một năm đầu tư, đến nay mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn của gia đình anh Vũ Văn Hợp ở xã Quang Húc đã cho thu hoạch, bình quân cá lăng đạt 2kg/con.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết để làm một lồng quy mô như vậy phải chi phí hết khoảng 25 triệu đồng. Với 5 lồng gia đình anh Hợp đã chi phí trên 150 triệu đồng. Vụ đầu anh mua gần 12.000 cá lăng chấm làm nhiều đợt thả 4 lồng và 1,7 vạn cá rô phi đơn tính thả lồng còn lại .Toàn bộ thức ăn cho cá đều sử dụng cám công nghiệp, cá nuôi được áp dụng biện pháp phòng trị bệnh đúng quy trình hướng dẫn của ngành thủy sản. Với cách nuôi như vậy sau một năm cá lăng chấm khi  mua con giống kích cỡ  đường kính 3 – 4 cm, bình quân 0,3kg con đến nay đã đạt trọng lượng xấp xỉ 3 kg/ con. Theo anh Hợp cho biết hiện nay giá bán lẻ cá lăng khoảng 180-200 ngàn đồng/kg, bán buôn khoảng 120-150 ngàn đồng/ kg. Với 3000 con cá giống thả trong lồng đầu sau một năm nuôi đạt tỷ lệ 80% có khả năng sẽ cho trên dưới 7 tấn cá. Nếu so với cách nuôi truyền thống đây là sản lượng rất cao, chưa kể hiệu quả từ đầu tư nuôi cá đặc sản mang lại.

Cái khó với hộ nuôi cá lồng quy mô lớn là đầu tư lớn. Để có 5 lồng nuôi, cộng chi phí mua con giống đầu tư ban đầu đã lên tới trên 400 triệu đồng, chi phí thức ăn mỗi ngày khoảng 2 triệu đồng. Như vậy một năm phải cần tới gần 1 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn với một hộ nông dân. Trong khi đó hầu hết địa phương và ngành ngân hàng chưa có chương trình cho vay ưu đãi, hoặc đầu tư hỗ trợ. Cái khó nữa là thị trường tiêu thụ, hiện địa bàn chưa có đầu mối tiêu thụ các loại cá đặc sản như lăng, nheo, trắm đen nên toàn bộ sản phẩm vẫn phụ thuộc vào các hộ tư thương, rất hay bị ép giá, còn  bán lẻ với khối lượng hàng hóa lớn là rất khó. Tuy còn một số trở ngại, nhưng với cách đầu tư, hướng đi mạnh dạn hy vọng mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn sẽ thành công, mở hướng để giúp nông dân ven sông, hồ làm giàu.

Quốc Vượng

Báo Phú Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!