(TSVN) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả, góp phần tăng giá trị sản xuất thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Phú Thọ là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản. Hệ thống sông, ngòi, ao, hồ đa dạng, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 10.800 ha, trong đó diện tích chuyên nuôi 5.600 ha, diện tích nuôi hồ chứa, ruộng 1 vụ 5.200 ha, tổng số lồng nuôi thâm canh 1.337 lồng. Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều địa phương không chỉ giảm nghèo mà còn vươn lên trở thành điểm sáng phát triển kinh tế về nuôi trồng thủy sản, điển hình như xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa; xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê; xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy…
Thả giống tại mô hình nuôi cá tầm, xã Mỹ Lương (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: TTKNQG
Điển hình như huyện Cẩm Khê – một trong những địa phương sớm xác định lợi thế trong nuôi trồng thủy sản do có diện tích ao, hồ tự nhiên khá lớn. Năm 2023, toàn huyện có diện tích 1.864 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt gần 8.300 tấn, tăng 108% so cùng kỳ. Ngoài các giống thủy sản truyền thống, các loại thủy sản giá trị cao như: Cá chép giòn, tôm càng xanh, ốc nhồi, cá trê, cá chình được người dân đưa vào nuôi, đem lại hiệu quả cao gấp 4 – 5 lần so với nuôi cá truyền thống.
Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh Phú Thọ đạt trên 42.000 tấn, tăng 3,87%, trong đó cá các loại đạt 41.854 tấn, tăng 3,74%; sản lượng tôm đạt 91,05 tấn, tăng 7,24%. Sản lượng thủy sản khác đạt 172,67% tấn, tăng 44,82% so với cùng kỳ. Sản xuất và ương nuôi cá giống ước đạt 1.600 triệu con… Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước đạt 20.700 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Điển hình là mô hình nuôi ốc nhồi tại Cẩm Khê của anh Cù Xuân Thu ở khu Gò Tràm, xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê. Theo anh Thu, ốc nhồi là loại vật nuôi có giá trị cao, vốn đầu tư ban đầu thấp, không cần diện tích lớn, chi phí thức ăn đơn giản và dễ tiêu thụ. Được Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Khê hỗ trợ con giống và kỹ thuật, từ 01 ao nuôi ban đầu, đến nay gia đình anh đã xây dựng 13 ao nuôi ốc thịt và ốc giống. Trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 1,5 tấn ốc thịt, trên 1 triệu con ốc nhồi giống, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Từ mô hình của anh Thu, nhiều hộ trong xã, trong huyện đã tìm đến học tập để triển khai mô hình. Anh Thu vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp con giống bảo đảm chất lượng cho các hộ có nhu cầu. Đến nay, mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm đã có trên 40 hộ ở Cẩm Khê thực hiện, góp phần không nhỏ trong giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Trong các mô hình chăn nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao phải kể đến mô hình nuôi cá thịt tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao. Mô hình được Trạm Khuyến nông Lâm Thao chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản tỉnh và các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp triển khai thực hiện trên diện tích 5 ha của năm hộ dân tham gia như hộ anh Trần Xuân Long, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Duy Phú, Trần Trọng Cảnh.
Anh Trần Xuân Long ở khu 9 chia sẻ: “Điều quan trọng nhất trong nuôi cá thịt là việc phòng chống dịch bệnh cho đàn cá phải đặc biệt tuân thủ theo quy trình xử lý đáy và diệt khuẩn cho đàn vật nuôi, có như vậy đàn cá mới sinh trưởng và phát triển tốt. Với diện tích 26 sào nuôi cá thịt, mỗi năm gia đình tôi thả làm hai đợt (tháng 2 và tháng 7), nếu thời tiết thuận lợi, cá không bị bệnh, mỗi năm cho thu hoạch bình quân 11 tấn cá thịt, trừ chi phí thu trên 200 triệu đồng”.
Hộ anh Anh Lê Văn Mạnh, với diện tích hơn 1 ha ao nuôi cá thịt gồm trắm, chép, rô, mè, một năm thu hoạch hai vụ, trừ chi phí thu khoảng hơn 100 triệu đồng/năm…
Hay như mô hình nuôi cá tầm ở thôn Xe Ngà, xã Mỹ Lương (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Điển hình là HTX Nông nghiệp suối ngà Đồng Mây. Hiện HTX có quy mô nuôi 04 bể xây, 04 bể bạt, cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn cá tầm thương phẩm trong năm 2023, với giá bán hiện tại giao động từ 220.000 – 250.000 đồng/kg mang lại doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều mô hình thủy sản hiệu quả đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đặng Ngọc Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con triển khai, nhân rộng một số mô hình thủy sản đã khẳng định hiệu quả cao như: Nuôi ốc nhồi, lươn, cá tầm thương phẩm… Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng mô hình khuyến nông hàng hóa, theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh tư vấn, dịch vụ khuyến nông trong cung cấp vật tư, thiết bị đầu vào và giải quyết đầu ra cho sản phẩm; gắn kết các hoạt động khuyến nông với phong trào xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tỉnh Phú Thọ chủ trương mở rộng diện tích nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, chiên, nheo, ngạnh, trắm cỏ, trắm đen, chép lai, rô phi, diêu hồng, tôm càng xanh, lươn, ếch... nâng tỷ lệ giống có giá trị kinh tế cao từ 60% lên 70%, góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng hiệu quả kinh tế. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản năm 2024 đạt trên 46.000 tấn, tăng 4% so với 2023 và tới năm 2025 đạt hơn 48.000 tấn.
Ngọc Diệp