Trong những năm gần đây, thị trường chăn nuôi luôn bấp bênh, có năm giá cao ngất nhưng cũng có năm giá rớt thê thảm. Nhiều người chăn nuôi tưởng chừng phá sản vì giá thương phẩm xuống thấp, bệnh dịch hoành hành. Trong khi đó, những mặt hàng thủy sản dù có xuống giá đôi chút nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người nuôi thả.
Ông Nguyễn Văn Học ở khu 6, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ cho biết: “Nếu thâm canh đúng kỹ thuật, thì dù giá cả có xuống thì làm thủy sản vẫn cho lãi cao so với chăn nuôi các loại khác.” Được biết, quy mô nuôi thả thủy sản của ông Học chỉ gần 4ha nhưng một năm ông thu hoạch được gần 48 tấn cá, tôm các loại (bình quân 12 tấn/ha).
Đây là năng suất rất cao trong khi năng suất bình quân của thủy sản toàn tỉnh chỉ đạt khoảng trên dưới 2 tấn/ha/năm. Để có được kết quả như vậy là những ngày tháng cơm đùm cơm nắm xuống tận huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương học tập kinh nghiệm làm thủy sản của ông Học. Cách làm của ông Học là nuôi cá với mật độ cực cao (gấp khoảng 5 lần so với mật độ thả của các hộ khác), mỗi ao ông sắm thêm từ 3 đến 4 máy sục, tạo ô xi loại lớn để tạo khí cho cá. Đồng thời, khi cá có độ lớn vừa phải ông liền cho thu hoạch, không nuôi lâu. Nếu như các hộ nuôi được 1 vụ/năm thì ông đã tiến hành thả 2 vụ/năm nên sản lượng lớn.
Trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, trong khi thu nhập của người lao động vẫn còn thấp, đồng thời sự lo ngại về an toàn thực phẩm trong các sản phẩm chăn nuôi như bò, lợn, gà…thì nhiều người tiêu dùng đã sử dụng các mặt hàng thủy, hải sản nhiều hơn trước kia. Đó là điều kiện thuận lợi cho người nuôi thủy sản.
Do đưa nhiều giống cá mới như: Chép lai ba màu, trắm, trôi, mè rô phi đơn tính, cá chim trắng… nên năng suất cá năm 2012 của đồng Mải xã Đoan Hạ (Thanh Thủy) ước đạt 1-1,2 tấn cá/ha – Tổ cá đồng Mải thu cá vụ năm 2012. Ảnh:Trần Thế Long (Đoan Hạ, Thanh Thủy)
Năm nay, giá thành các mặt hàng thủy sản có giảm nhẹ so với năm trước (các loại cá tôm bình thường giảm từ 4.000 đến 8.000 đồng/kg; các loại cá đặc sản, giá trị cao giảm khoảng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg). Ông Lê Xuân Hà ở khu 5 xã Chính Công, huyện Hạ Hòa tâm sự: “Năm nay hầu hết các ngành nghề đều gặp khó khăn trong làm ăn. So với nhiều ngành nghề khác thì nuôi thả thủy sản đỡ hơn ít nhiều. Nói thật, làm thủy sản vất vả nhất là khoảng 3 – 4 năm đầu tiên bởi vốn đầu tư ban đầu cao, trong khi vay vốn ngân hàng lại chưa thực sự thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi đã ổn định được cơ sở hạ tầng, có sự đầu tư, thâm canh hợp lý thì cũng nhanh chóng thu hồi lại nguồn vốn và có lãi”.
Từ khoảng giữa năm 2011 đến nay, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, hầu hết các ngành nghề đều bị tác động. Ngành nuôi thả thủy sản cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Có thể thấy rõ nhất là giá con giống, thức ăn, thuốc phòng, chữa bệnh tăng trong khi cá, tôm thương phẩm có sự sụt giảm. Tuy nhiên, hầu hết các hộ làm nghề này vẫn có được lợi nhuận, mặc dù thấp hơn trước. Một điều thuận lợi giúp cho ngành thủy sản vẫn ổn định và có sự tăng trưởng là do dịch bệnh trên một số loại vật nuôi như gia súc, gia cầm bùng phát, nguồn cung cấp thực phẩm có sự khan hiếm hơn. Đồng thời tâm lý người tiêu dùng cũng dè dặt đối với các mặt hàng đó nên quay sang lựa chọn các sản phẩm từ thủy, hải sản. Chị Lê Thị An, công nhân Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì cho biết: Đồng lương của công nhân may thấp, phải trang trải khá nhiều chi phí cho nên việc mua các thực phẩm như thịt lợn, thịt bò hay thịt gia cầm đã trở nên xa xỉ. Thực đơn cho bữa ăn hàng ngày chủ yếu là thực vật. Ngoài ra, khi cần thức ăn mặn tôi chuyển sang mua cá nhiều hơn do trong cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng chủ yếu là do giá rẻ, phù hợp với túi tiền của công nhân. Bình quân giá cá chim trắng vào khoảng 35.000 đồng/kg; cá mè từ 33.000 – 40.000 đồng/kg; cá trôi, cá trắm khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg…
Đối với người nuôi thả thủy sản hiện nay, đặc biệt là những hộ nuôi thả có quy mô nhỏ thì khó khăn chính vẫn là nguồn vốn. Giá con giống, giá thức ăn vẫn có sự biến động, chủ yếu theo chiều hướng gia tăng. Mặc dù tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên hoặc chất thải gia súc nhưng để cá, tôm phát triển nhanh vẫn bắt buộc người nuôi phải sử dụng các loại thức ăn công nghiệp. Năm 2011, giá thức ăn dành cho thủy sản tăng 32% so với 2010; năm 2012 cũng tăng trên 20% so với năm 2011. Theo đánh giá, giá thức ăn chăn nuôi nói chung và dành cho thủy sản nói riêng của Việt Nam luôn cao hơn từ 20 – 25% so với các nước trong khu vực, đặc biệt từ khi Bộ Tài chính áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu 5% (năm 2010) cho một số loại nguyên liệu chế biến thay vì mức thuế suất 0% như trước kia. Sở dĩ có tình trạng trên là do hầu hết thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay là do các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc liên doanh với nước ngoài thao túng nên họ có thể bắt chẹt được người chăn nuôi. Hiện nay, trong cả nước có 111 doanh nghiệp chế biến, nhập khẩu và kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhưng các doanh nghiệp nước ngoài chiếm từ 70 – 80% số vốn. Một số loại thức ăn dùng cho thủy sản phổ biến như Cargill, Proconco, Con cò, Grobest… hiện đang giữ ở mức giá từ 36.000 – 40.000 đồng/kg. Giá các loại thuốc phòng chữa bệnh cho tôm, cá cũng đang quá cao. Điều này khiến người nuôi thủy sản thực sự gặp khó khăn trong khi chúng ta chưa quy hoạch được các vùng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi hợp lý dành cho các nhà sản xuất trong nước.
Một vấn đề nữa là nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh còn khó khăn. Người nuôi thủy sản hiện chủ yếu vẫn do người dân mua của thương lái tư nhân bởi Chi cục Thủy sản mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 10% nhu cầu về con giống của người nuôi. Do đó, nhiều khi người nuôi bắt buộc phải mua của tư thương với giá cao, nguồn gốc không rõ…dễ dẫn đến phát sinh dịch bệnh. Theo tâm sự của nhiều người hiện đang hoạt động nuôi thả thủy sản thì họ rất mong muốn Chi cục Thủy sản có thể phối hợp với một số hộ, trang trại có điều kiện ở địa phương để ươm, ương và cung cấp cá bột cho người nuôi thủy sản ở các địa phương đó. Đây là cách làm hợp lý trong điều kiện Chi cục chưa thể đáp ứng được nhu cầu về giống của người nuôi trong điều kiện hiện nay.