THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Phú Thọ: Quang Húc phát triển nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Từng là một trong những xã khó khăn của huyện Tam Nông, nhưng những năm qua, với sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nỗ lực của nhân dân, kinh tế – xã hội của xã Quang Húc đã có sự tăng trưởng khá. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng lợi thế địa phương, đầu tư nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, thu lãi hàng trăm triệu đồng, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.

Tham quan mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Minh Đăng – người đi tiên phong trong việc nuôi cá lồng ở đây, được biết: “Tôi bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2012, chủ yếu là cá Lăng và cá Diêu Hồng. Năm 2013, từ việc nuôi và bán cá, tôi thu lãi trên 300 triệu đồng. Được xã ủng hộ, năm nay tôi tiếp tục đầu tư thêm gần 60 lồng cá, ước tính đến cuối năm sẽ xuất bán khoảng 300 tấn cá”.

Nhiều hộ dân  xã Quang Húc đầu tư nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Nhiều hộ dân xã Quang Húc đầu tư nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh mô hình nuôi cá hiệu quả của gia đình anh Đăng, xã Quang Húc có gần 20 hộ mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng theo hướng công nghiệp với 120 lồng cá. Để tạo điều kiện cho các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, đoàn thể của xã gồm: Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên đều đứng ra nhận ủy thác, giúp các hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 10 tỷ đồng. Chủ tịch Hội Nông dân Phạm Xuân Bằng cho biết: “Hội Nông dân xã nhận ủy thác cho 216 hội viên vay với số tiền trên 5 tỷ đồng thông qua 14 tổ vay vốn. Nhu cầu vay vốn của nông dân để phát triển sản xuất là rất lớn, Hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các hội viên được vay vốn sản xuất”.

Bảo đảm cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, xã Quang Húc tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của các Hợp tác xã giúp đỡ các thành viên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xã Quang Húc đã thành lập được ba hợp tác xã: Hợp tác xã dịch vụ thủy lợi, Hợp tác xã nuôi cá lồng sông Bứa và Hợp tác xã dịch vụ thương mại và sản xuất nông nghiệp. Các hợp tác xã này có vai trò hỗ trợ các gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cây rau, nấm chất lượng cao; nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp được thuận lợi.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Tiến Triệu – Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Thời gian tới, xã sẽ tập trung chỉ đạo chuyển dịch một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các hộ chăn nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp. Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận vay nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời sớm quy hoạch vùng nuôi thả cá lồng, quản lý nguồn nước, tăng cường cán bộ kỹ thuật, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản…”.

Với lợi thế một xã miền núi, địa bàn dân cư phân bổ cả hai bên bờ sông Bứa, đất đai phì nhiêu là điều kiện thuận lợi để nhân dân xã Quang Húc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và Kinh doanh dịch vụ đều tăng từ 15 đến 50% so với cùng kỳ. Trung bình hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 4%.

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung là sự chỉ đạo đúng đắn của chính quyền địa phương, các mô hình kinh tế ở Quang Húc góp phần nâng cao đời sống người dân, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Huy Thắng

Báo Phú Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!