Mang lại hiệu quả cao nhưng phương thức nuôi tôm cá trên cát bên bờ đầm phá Tam Giang của một số hộ dân xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Trước mắt chúng tôi là những hồ tôm hoang tàn, guồng máy chỏng chơ. Anh Trần Vinh đang loay hoay dẫn nước vào hồ để làm vệ sinh, sau vụ tôm vừa chết. Anh Vinh than: “Mấy năm nay, nuôi tôm vụ nào lỗ vụ đó. Nợ nần chồng chất, nhưng không có đất nông nghiệp, chuyển đổi nghề cũng chẳng biết làm gì. Nếu không tiếp tục “đánh bạc với trời” thì kiếm đâu tiền trả nợ?”. Anh Vinh dẫn chúng tôi đến chòi canh tôm của anh Trần Tiến tránh nắng. Gặp lúc anh đang đãi mấy người trong làng một “chầu” vì vụ tôm “được” thu hoạch sớm. Anh Tiến cười nhăn nhó: “Vụ này huề vốn là may lắm rồi”.
Những hồ tôm hoang tàn
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, xác nhận: Gần 1 triệu con tôm, cá của 600 hộ dân các thôn Thủy Diện, Lê Bình, Ba Lăng, Xuân Ổ nuôi đã bị chết. Tất cả người nuôi đều bị thiệt hại nặng do cá tôm chết hàng loạt. Các biện pháp khắc phục đã được áp dụng nhưng không hiệu quả; thiệt hại đến thời điểm này đã trên 5 tỷ đồng.
Đáng lo hơn, không chỉ cá dìa nuôi chắn sáo chết hàng loạt, mà trên 273 ha nuôi cao triều theo hình thức xen ghép cũng bắt đầu chết rải rác. Diện tích nuôi xen ghép và chắn sáo nước lợ đầu vụ nuôi 2013 là 1.705,6 ha và 1.116 lồng nuôi. Trong đó, cá dìa (Siganus) thả nuôi chắn sáo được 25 – 35 ngày tuổi thì chết sình nổi lềnh bềnh. Cá dìa sinh nở ở vùng cửa Thuận An, do ngư dân đánh bắt được bán 5.000 – 6.000/đồng con cho người nuôi. Thời điểm này, chỉ tính 50 vạn con cá dìa giống bị chết đã thiệt hại 2,5 tỷ đồng.
Chỉ tay về cánh đồng “tôm”, ông Trần Văn Khâm trưởng thôn Thủy Diện lắc đầu ngao ngán. Theo ông Khâm, thôn Thủy Diện có 200 hộ, trong đó 127 hộ nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 320 ha, hộ nào cũng bị thiệt hại, ít thì 20 – 30 triệu đồng, nhiều thì trăm triệu đồng. Toàn thôn có 130 hộ nuôi thủy sản theo mô hình ghép cá – tôm – cua, đến nay số cá dìa đã chết hơn 80%, tôm 50%, cua 30%. Hộ anh Trần Văn Tám thuộc loại thiệt hại nặng nhất; đã vay trên 100 triệu đồng để mua 6.000 con giống cá dìa và 5.000 con tôm cua thả trên 4 ha mặt nước nuôi ghép; đến thời điểm gần thu hoạch, số cá tôm đó chết sạch, nổi trắng hồ, gia đình anh Tám rơi vào cảnh trắng tay.
Tình trạng cá dìa, cá kình, tôm, cua thả từ đầu vụ đều chết hết đã kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay. Anh Đào Văn Va nói: “Tôi nuôi trồng thủy sản lâu năm nhất thôn Thủy Diện, đã “chữa chạy” hết cách vẫn không hiệu quả. Đành mất trắng 40.000 con cá dìa thả nuôi trên diện tích 2 ha”. Tương tự, hộ các ông Nguyễn Toản, Đào Văn A, Nguyễn Tước… đều thiệt hại 100 – 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế, cho rằng môi trường phá Tam Giang – Cầu Hai bị ô nhiễm làm suy giảm đa dạng sinh học; 6 loài cá quý hiếm (mì đường, mòi hoa cờ, mòi cờ chấm, măng, chìa vôi, quả bông) đang có nguy cơ tuyệt chủng, chủ yếu do nuôi trồng thủy sản ở đây không đúng quy hoạch, khiến dịch bệnh lây lan từ ao hồ thải trực tiếp ra đầm phá…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không có vốn tái đầu tư nên hiện giờ hầu hết người nuôi tôm chỉ nuôi cầm chừng, được chăng hay chớ; vì thế đời sống càng bấp bênh.