Mùa tôm 2012, người nuôi ở xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa, Phú Yên) đều thất bại 2 vụ vì tôm chết hàng loạt. Nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi và người nuôi thả không đúng lịch thời vụ, gây ô nhiễm môi trường.
Tôm chết vì nhiều lý do
Ông Đinh Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam cho biết: “Năm nay, thời tiết không được thuận lợi, lượng mưa đầu năm nhiều và ảnh hưởng của không khí lạnh, gió mùa đông bắc; ngoài ra, do lạm phát kinh tế, giá cả các mặt hàng tăng cao, nhất là thức ăn cho tôm, nên đã gây bất lợi cho người nuôi tôm. Vụ tôm năm 2012, UBND xã đã vận động nhân dân cải tạo ao đìa, thả mật độ thưa để giảm bớt rủi ro và dễ quản lý; đồng thời thông tin, cảnh báo thường xuyên về môi trường vùng nuôi và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con. So với những năm trước, có sự chuẩn bị khá tốt nhưng tôm nuôi vẫn bị chết nhiều, khó kiểm soát. Có người vay tiền mua con giống thả nuôi đến lần thứ hai nhưng vẫn trắng tay. Thậm chí, những người nuôi tôm có kinh nghiệm cũng bị thiệt hại”.
Nông dân Hòa Hiệp Nam thu hoạch tôm – Ảnh: P.Nhã
Theo những nông dân ở đây, dịch bệnh còn do các yếu tố bất lợi về môi trường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, mực nước trên ruộng nuôi quá thấp nên khi gặp mưa trái mùa, tôm bị sốc do giảm độ mặn đột ngột. Ngoài ra, tình hình rong nhớt phát triển mạnh làm thay đổi độ pH, oxy trong nước giảm, hàm lượng khí độc cao, nguồn nước bị nhiễm độc hữu cơ gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng của tôm. Chất lượng tôm giống kém cũng khiến tình hình dịch bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, các hồ nuôi không có hệ thống chứa nước thải, nguồn nước ô nhiễm trực tiếp thải ra môi trường khiến mầm bệnh phát tán mạnh. Cụ thể, vụ đầu năm (từ tháng 2 đến tháng 4) mật độ thả giống từ 40-80 con/m2đúng theo yêu cầu về thời vụ và mật độ thả với diện tích 63ha. Sau khi thả nuôi, tôm từ 25-35 ngày tuổi hầu như bị chết vì bệnh. Vụ giữa năm, 154ha tôm nuôi bằng phương thức bán thâm canh nhưng tôm vẫn chết hàng loạt ở các xứ đồng, người nuôi thua lỗ nặng, nợ chồng nợ.
Ông Đào Khắc Vẫn, Trưởng thôn Đa Ngư, cho biết: “Năm nay thời tiết bất thường, thêm việc thả của những hộ nuôi còn chồng chéo, do đó, càng về sau, tôm chết càng nhanh do bị ô nhiễm nặng từ trước. Toàn xã thả nuôi hơn 200ha thì tỉ lệ thiệt hại coi như gần hết”. Còn ông Trần Văn Ngãi, nông dân nuôi tôm “nòi” ở xã Hòa Hiệp Nam cho biết: “Chi phí cho xử lý ao, con giống, thức ăn, thuốc thú y đều tăng, tôm chết nhiều nên người nuôi lỗ nặng”.
Giải pháp cứu nông dân
Theo báo cáo của xã, hiện nay, một số hộ vẫn còn tranh thủ hồ cao nuôi tôm không đúng lịch thời vụ quy định; chưa chấp hành tốt việc thực hiện quy chế vùng nuôi; công tác kiểm soát dịch bệnh chưa đồng bộ và giống thả nuôi chưa qua kiểm nghiệm, đa số là trôi nổi trên thị trường. Bất cập lớn là hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh. Trước tình hình đó, UBND xã đã khuyến cáo nông dân cần chuẩn bị kỹ ao nuôi; xử lý nền đáy ao để diệt vi khuẩn, giáp xác và hướng dẫn các hộ bị thiệt hại xử lý môi trường, tạm ngưng thả tôm nuôi. Mặt khác, xã cũng đã khuyến cáo người nuôi tôm cần thận trọng hơn với các chế phẩm vi sinh để tránh làm phát sinh thêm ký chủ trung gian gây bệnh; đồng thời tăng cường vận động nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường chung. Vụ mới 2013, xã vận động người dân nên lựa chọn giống sạch ở những cơ sở có uy tín; khuyến khích tái tạo môi trường nuôi ở những nơi có điều kiện trồng một vụ lúa trên đất nuôi để cải tạo đất, cân bằng sinh thái vùng nuôi lâu dài.
Ông Trần Thiện Thẩm, Tổ trưởng bộ phận “một cửa” (UBND xã Hòa Hiệp Nam) giải quyết đơn vay vốn của người nuôi tôm cho biết, kế hoạch năm 2013 của UBND huyện vẫn chọn nghề nuôi tôm là chủ lực nhưng vẫn còn đang chờ cơ chế mới của UBND tỉnh về việc đầu tư chỉnh trang vùng chuyên canh nuôi tôm bền vững ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. “Tôm chết, nhiều hộ nông dân “cụt” vốn. Phần vì sợ dịch bệnh, phần vì nông dân hết đường xoay vốn để tái đầu tư, chúng tôi đang kiến nghị tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời về vốn; đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật nâng cao cho các hộ nuôi”, ông Thẩm nói.
Ông Đinh Thuận cho biết thêm: “Rút kinh nghiệm, năm 2013, xã xây dựng kế hoạch chi tiết mang tính chiến lược nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro. Cụ thể, việc thực hiện nuôi cần đúng lịch, liên hệ mở hội thảo đầu bờ theo cụm ở vùng nuôi về kỹ thuật và quản lý vùng nuôi; thường xuyên kiểm tra con giống, các chế phẩm, xử lý ngay những hồ có bệnh, không cho dịch lan rộng. Các hộ tự ý xả nước ra môi trường sẽ bị xử phạt và khen thưởng kịp thời những cá nhân tiêu biểu để khích lệ phong trào nuôi tôm của toàn xã”.