T2, 06/07/2020 09:50

Phú Yên: Công nghiệp chế biến thủy sản – Khan hiếm nguồn nguyên liệu

Chưa có đánh giá về bài viết

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh Phú Yên đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu do thủy sản nuôi trồng mất mùa, ngư dân đánh bắt bán ngay trên biển. Từ đầu năm, các đơn vị sản xuất phải nhập nguyên liệu từ khắp nơi.

Nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở Phú Yên đang thiếu nguyên liệu sản xuất – Ảnh: A.BANG

Phú Yên hiện có khoảng 2.000 ha thả nuôi các đối tượng thủy sản, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chiếm gần 1.200 ha. Từ đầu năm đến nay, do thời tiết không thuận, nguồn nước, môi trường… ô nhiễm dẫn đến tôm chết diễn ra ở nhiều vùng nuôi, khiến không ít ngư dân trắng tay. Tình trạng này làm cho nguồn nguyên liệu trong tỉnh vốn chỉ đáp ứng được một phần nhỏ công suất của các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, giờ càng khan hiếm hơn.

Công ty TNHH Nguyễn Hưng (TX Sông Cầu) có thế mạnh là chế biến các mặt hàng: cá hố, cá bống, ghẹ, cá ngừ và đang ở trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Công ty TNHH Thủy sản Phú Yên chuyên chế biến các mặt hàng: tôm, cua, ghẹ… song từ đầu năm đến nay, công ty này chưa thể chế biến các mặt hàng trên vì không có nguyên liệu… Trước tình hình này, các doanh nghiệp chế biến thủy sản buộc phải chuyển hướng khai thác một số loài thủy sản khác không thuộc thế mạnh của doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất. Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Thủy sản Phú Yên cho biết: “Giải pháp thay thế sản xuất của công ty là chuyển hướng sang sản xuất các loại cá ngừ, cá hố. Đối với các hợp đồng cung cấp tôm, ghẹ, công ty phải đàm phán với khách hàng để có thể kéo dài thêm thời gian, chờ gom hàng”.

Nhằm thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với đối tác, các chủ doanh nghiệp phải đặt, nhập nguyên liệu từ các địa phương trong cả nước như Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang. Việc tăng cước phí vận chuyển khiến giá nhập nguyên liệu chế biến cho doanh nghiệp tăng cao hơn ít nhất 20%, trong khi việc xuất khẩu hàng tăng không nhiều. Hơn nữa, từ khi giá cả các mặt hàng tăng, các phương tiện đánh bắt xa bờ ít đưa sản phẩm đánh bắt vào bờ nhằm hạn chế chi phí mà “gặp đâu bán đó” ngay trên biển cho các thương lái.

Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, bày tỏ: “Từ khi mở rộng cơ sở sản xuất lên 1.000 tấn/năm, doanh nghiệp chúng tôi thiếu nguyên liệu, sản xuất gặp khó khăn không ít”. Theo ông Hòa, hiện tại nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/3 công suất sau khi mở rộng cơ sở. Mới đây, doanh nghiệp này ký kết một hợp đồng với đối tác xuất khẩu 50 tấn hải sản thành phẩm (tương đương 100 tấn nguyên liệu). Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chưa ổn định nên doanh nghiệp vẫn canh cánh một nỗi lo. Đại diện Công ty Thủy sản Phú Yên cũng cho biết: “Công suất nhà máy khoảng 10.000 tấn/năm, tuy nhiên, hiện chỉ mới hoạt động được 10% công suất”.

Các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh mong muốn các sở, ngành liên quan của tỉnh sớm có chủ trương quản lý nguồn nguyên liệu khai thác được trong tỉnh. Cùng với đó, việc nuôi trồng thủy sản cần có những mô hình mới nuôi hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra để nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất được chủ động hơn.

AN BANG

Theo Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!