Phú Yên: Ðẩy mạnh khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, cá ngừ đại dương là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng thứ ba sau tôm và cá tra, hàng năm thu về cho đất nước một nguồn ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và tiêu thụ vẫn còn vướng mắc, cần được tháo gỡ…

Cá ngừ đại dương của Việt Nam được khai thác tập trung chủ yếu từ ngư dân ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định. Phần lớn cá được xuất khẩu nguyên con sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, EU…; một phần nhỏ cá ngừ đại dương có khối lượng dưới 30 kg/con hoặc có chất lượng thấp được các cơ sở chế biến mua làm nguyên liệu chế biến thành các sản phẩm khác như cá ngừ xông khói, đóng hộp, phi lê… Nghề khai thác và thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, dịch vụ hậu cần cùng các hoạt động phụ trợ đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục vạn lao động và ngư dân.

Bên cạnh những thành quả mà nghề câu cá ngừ đại dương đem lại, vẫn còn một số hạn chế trong khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương cần được giải quyết, như tàu thuyền công suất nhỏ, mỗi chuyến biển kéo dài trên dưới một tháng, chưa có đội tàu thu mua cá ngừ đại dương và cung cấp dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm, nước ngọt… trên biển cho các tàu câu để tăng khả năng đánh bắt và hiệu quả chuyến biển. Về thị trường tiêu thụ cá ngừ đại dương, do ngư dân phải ứng trước phí tổn chuyến biển của các chủ nậu cho nên sau mỗi chuyến biển, cá về phải bán cho các chủ nậu để trừ phí tổn. Việc mua bán kiểu này chẳng khác gì như đã được định trước, dễ nảy sinh tình trạng ép cấp, ép giá. Mặt khác, do chưa hình thành được chợ bán đấu giá cá ngừ đại dương và chưa có hệ thống kho lạnh giữ sản phẩm ngay tại bến cảng, nên không thể giữ lâu cá ở hầm tàu sau khi đã trải qua một chuyến biển dài ngày. Giá cá ngừ đại dương chưa được niêm yết công khai như một số hàng hóa khác, mỗi cơ sở mua theo giá thỏa thuận riêng với từng chủ tàu; chưa có cam kết về mặt tiêu chuẩn chất lượng của các cơ sở thu mua với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho nên việc giám sát, quản lý chất lượng và giá cá ngừ đại dương vẫn chưa thực hiện được.

Ngư dân TP Tuy Hòa chuẩn bị cho chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương – Ảnh: A.NGỌC

Việc xuất khẩu lâu nay vẫn do các doanh nghiệp tự làm. Họ tự cân đối chi phí và giá đầu ra để hình thành giá mua. Đó cũng là yếu tố làm nảy sinh nhiều giá mua khác nhau ở từng cơ sở khác nhau đối với cá ngừ đại dương.

Giải pháp đặt ra hiện nay nhằm tháo gỡ những tồn tại để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương là thường xuyên dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản và mùa vụ khai thác cho ngư dân. Đó là việc tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ thuật sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương và vệ sinh an toàn thực phẩm trong khai thác thủy sản cho ngư dân. Để tăng khả năng đánh bắt và nâng cao chất lượng sản phẩm, ngư dân cần đầu tư tàu lớn có trang thiết bị hiện đại, có hầm bảo quản để tăng khả năng giữ lạnh cho cá trong thời gian tàu hoạt động trên biển. Các tàu cần trang bị bảo hộ lao động cho các thuyền viên. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đá hợp vệ sinh theo đúng yêu cầu chất lượng. Các ngư đội đánh bắt cá ngừ đại dương cần hình thành để tăng khả năng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thông tin ngư trường, thị trường và giúp đỡ nhau khi gặp sự cố, bất trắc trên biển. Tổ chức tàu lớn mua gom cá ngừ và cung ứng các nhu yếu phẩm ngay trên biển cho các tàu câu cá ngừ nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế chuyến biển, đồng thời cần đầu tư hệ thống kho lạnh giữ hàng và chợ bán đấu giá cá ngừ đại dương ngay tại bến, cảng.

Để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương, cần mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ sang nhiều nước thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước ngoài, tìm kiếm thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm và phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam trên trường quốc tế. Các doanh nghiệp mua gom cá ngừ có cam kết tiêu chuẩn chất lượng và niêm yết công khai giá mua cá ngừ với ngư dân. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn đã cam kết và niêm yết công khai, cần có quy định xử lý vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong khai thác, mua gom, chế biến cá ngừ đại dương.

Những vấn đề khó khăn, hạn chế trong hoạt động khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương nếu được tháo gỡ sẽ góp phần thúc đẩy nghề này phát triển mạnh và bền vững.

Kỹ sư Nguyễn Khắc Tân

(Theo Báo Phú Yên)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!