CHỦ NHẬT, ngày 12/1/2025

T2, 06/07/2020 10:14

Phú Yên: Đẩy mạnh ứng dụng máy dò ngang trên tàu lưới vây rút chì

Chưa có đánh giá về bài viết

Ở Phú Yên hiện có 528 tàu làm nghề lưới vây rút chì, trong đó có 143 tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên đến 400CV hoạt động ở ngư trường khơi xa, còn lại phần lớn là tàu có công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV hoạt động ở ngư trường lộng và gần bờ.

Đội tàu lưới vây có tiềm năng xây dựng mô hình ứng dụng máy dò ngang của Phú Yên có khoảng 92 chiếc. Đến nay có khoảng 20 chiếc đã được trang bị máy dò ngang, trong đó có 10 chiếc đã lắp đặt mới máy dò ngang năm 2012.

Tháng 9/2011, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (TTKNKN) Phú Yên triển khai lắp đặt và hướng dẫn sử dụng máy dò ngang sonar JMC – CSL -1000 trên tàu lưới vây rút chì mang ký hiệu PY95001TS do ông Biện Quang ở Thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa tỉnh Phú yên làm chủ tàu. Đây là mô hình máy dò ngang đầu tiên được triển khai thực hiện ở Phú Yên cho nghề lưới vây rút chì.

 Đầu năm 2012, ông Biện Quang cho tàu ra khơi khai thác chuyến biển đầu tiên kể từ sau khi lắp máy. Trong thời gian tàu hoạt động trên biển thì gặp cơn bão số 1, nên tàu chỉ tổ chức khai thác được 9 mẻ lưới, ít hơn những chuyến biển bình thường trước đây 5 mẻ lưới. Tuy gặp khó khăn về thời tiết, nhưng nhờ sử dụng máy dò ngang mà năng suất, sản lượng mỗi mẻ lưới được nâng cao hơn trước khi chưa lắp máy dò ngang 1,6 lần, thời gian chuyến biển rút ngắn, cho nên chi phí chuyến biển giảm và hiệu quả tăng lên đáng kể. Kết quả chuyến biển đầu tiên, thời gian hoạt động 13 ngày, sản lượng khai thác đạt trên 10 tấn, tổng thu 120 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí 52 triệu đồng, lợi nhuận thu được 62 triệu đồng, cao gấp 1,8 lần so với trước khi lắp máy. Sau cơn bão số 1, tàu tiếp tục chuyến biển tiếp theo và đã tổ chức khai thác được 14 mẻ lưới, năng suất sản lượng bình quân mỗi mẻ lưới đạt 1,4 tấn, cao gấp 2 lần so với trước khi lắp máy dò ngang. Kết quả chuyến biển thứ 2, thời gian hoạt động 14 ngày thu được sản lượng trên 20 tấn, sau khi bán sản phẩm, trừ toàn bộ chi phí, thu được lợi nhuận gần 100 triệu đồng, cao gấp 2,8 lần so với trước khi lắp máy. Hiện tại tàu đang tiếp tục hoạt động chuyến biến biển tiếp theo và thông tin từ biển khơi báo về cho biết kết quả những mẻ lưới của chuyến biển này không thấp hơn chuyến biển thứ 2… Thấy được hiệu quả của máy dò ngang, hiện ở địa bàn xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa đã có hơn 10 tàu làm nghề lưới vây của ngư dân tự bỏ tiền mua sắm, lắp đặt và sử dụng máy dò ngang đang hoạt động cũng thu được kết quả cao.

Từ thành công của mô hình ứng dụng máy dò ngang được triển khai năm 2011, Năm 2012, TTKNKN Phú Yên tiếp tục triển khai mô hình. Ngày 25/6/2012, Trung tâm đã triển khai mô hình ứng dụng máy dò ngang JMC-CSL 1000 trên tàu lưới vây rút chì ký hiệu PY 97727 TS do ông Nguyễn Trí Thành, thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An làm chủ tàu. Qua theo dõi 2 chuyến biển của tàu ông Thành cho thấy hiệu quả kinh tế cụ thể như sau: 

Chuyến thứ nhất hoạt động 21 ngày, thu sản lượng đạt 45 tấn, chủ yếu là cá nục đuôi đỏ và nục xanh, ngoài ra còn có mực nang, cá dìa…, tổng doanh thu đạt khoảng 400 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí trực tiếp như nhiên liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm khoảng 70 triệu đồng, lãi gộp 330 triệu đồng được chia thành 2 phần, một phần 165 triệu đồng được phân phối thu nhập cho 12 lao động và máy dò ngang, bình quân 1 lao động thu nhập 12,5 triệu đồng/chuyến biển, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi lắp máy dò ngang. Phần còn lại (lãi ròng sau phân phối thu nhập cho lao động và máy dò ngang), chủ tàu thu 165 triệu đồng. So với trước khi lắp máy dò ngang, thì năng suất sản lượng tăng gấp 2,25 lần, giá trị lợi nhuận của chủ tàu thu được tăng gấp trên 2,5 lần.

Chuyến thứ hai hoạt động 23 ngày, tuy gặp khó khăn hơn về điều kiện thời tiết biến đổi, nước chảy mạnh, nhưng tàu ông Nguyễn Trí Thành vẫn thu được sản lượng 40 tấn, doanh thu sản lượng trên 350 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí trực tiếp như nhiên liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm khoảng 70 triệu đồng, lãi gộp 280 triệu đồng được chia thành 2 phần, một phần 140 triệu đồng được phân phối thu nhập cho 12 lao động (thuyền viên, thủy thủ) và máy dò ngang, bình quân 1 lao động thu nhập 11 triệu đồng/chuyến biển, tăng gấp 2,2 lần so với trước khi lắp máy dò ngang. Phần còn lại (lãi ròng sau phân phối thu nhập cho lao động và máy dò ngang), chủ tàu thu 140 triệu đồng. So với trước khi lắp máy dò ngang, thì năng suất sản lượng tăng gấp 2,0 lần, giá trị lợi nhuận của chủ tàu thu được tăng gấp 2,2 lần. Chủ tàu, thuyền trưởng, thủy thủ (thuyền viên) thật sự phấn khởi. Ông Nguyễn Trí Thành cho biết: Nhờ có máy dò ngang được TTKNKN tỉnh hỗ trợ mà mấy chuyến biển vừa rồi tàu làm đạt kết quả, mọi người đều có thu nhập cao hơn trước đây. Kết quả thực hiện mô hình ứng dụng máy dò ngang trên tàu của ông Nguyễn Trí Thành ở An Mỹ, Tuy An tiếp tục khẳng định hiệu quả của máy dò ngang đối với tàu lưới vây rút chì.

Để việc nhân rộng ứng dụng máy dò ngang vào khai thác thủy sản xa bờ được đẩy mạnh, thiết nghĩ các cơ quan có chức năng chuyên môn cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi cho ngư dân về tính hiệu quả của thiết bị, có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân về vốn. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tạo điều kiện cho TTKNKN Phú Yên được tiếp tục triển khai mô hình máy dò ngang theo kế hoạch năm 2013 và những năm tiếp theo. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những tàu làm nghề lưới vây rút chì khơi có điều kiện hiện đại hóa máy móc thiết bị, đặc biệt là trang bị máy dò ngang để ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng khả năng bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ Quốc.

Nguyễn Khắc Tân - TTKNKN Phú Yên

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!