T5, 04/05/2023 09:15

Phú Yên – Điểm sáng về chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong “cuộc chiến” chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, Phú Yên được Bộ NN&PTNT ghi nhận là địa phương nhiều năm không có tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Điều này đến từ việc các ngành chức năng, địa phương đã thực hiện những biện pháp căn cơ để xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép.

Quyết liệt, đồng bộ

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chỉ đạo điều hành, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến với ngư dân. Đến nay toàn tỉnh còn 1.922 tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia; trong đó có 641/653 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 98,16%. 100% số liệu tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh không có tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Phú Yên chấp hành luật pháp trên biển ngày càng tốt hơn. Ảnh: Hoài Luân

Xác định khâu tuyên truyền được coi là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao nhận thức của ngư dân trong khai thác thủy sản, thời gian qua, UBND tỉnh Phú Yên đã gửi 3.000 thư kêu gọi hưởng ứng việc chống khai thác IUU, gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của EC để các địa phương, đơn vị tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Cùng đó, các thành viên Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh và sở, ngành, địa phương đã xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân, trọng tâm là các quy định về chống khai thác IUU. Tại các địa phương như TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, công tác tuyên truyền, kiểm soát cũng được tập trung cao. Theo đại diện lãnh đạo các địa phương này, việc tuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản, IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt tại các địa phương. Các địa phương đã trực tiếp kiểm tra và giao các phường, xã rà soát, xử lý tận nơi tình trạng ngư dân có dấu hiệu vi phạm. Điều đáng nói là trong mỗi cuộc tuyên truyền đều nêu rõ những biện pháp cần phải khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”, hậu quả thiệt hại về người và tài sản khi tàu cá bị bắt giữ do xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản, các hình thức xử lý vi phạm, những bất lợi lâu dài về kinh tế xuất khẩu thủy sản nếu không quyết liệt chống khai thác IUU.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ, tỉnh Phú Yên đã triển khai thực hiện tương đối đầy đủ những quy định của pháp luật về chống khai thác IUU, tăng cường công tác kiểm tra tàu cá ra vào cảng, kiểm soát nhật ký khai thác thủy sản và sản lượng đưa lên bến, chú trọng thực hiện tốt yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hải trình trên các tàu cá có đủ điều kiện khai thác thủy sản vùng khơi… Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay không có tàu cá nào của ngư dân Phú Yên bị nhà chức trách nước ngoài bắt giữ do xâm phạm vùng biển nước bạn khai thác thủy sản.

Nỗ lực hơn nữa

Theo nhận định của ngành chức năng Phú Yên, do đặc thù tỉnh có bờ biển dài, nhiều bến bãi, cửa sông, cửa lạch nên công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập bến đối với nhóm tàu cá từ 6 m đến dưới 15 m còn gặp khó khăn; nhân lực, công tác xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản còn hạn chế… nên việc thực hiện chống khai thác IUU đáp ứng tiến độ theo Kế hoạch 81 của Thủ tướng Chính phủ vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong cuộc họp tại UBND tỉnh mới đây, đại diện một số đơn vị cho rằng, tuy những năm gần đây, Phú Yên không có tàu cá vi phạm IUU nhưng công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến… cần được tăng cường và cần có đủ nguồn lực để đảm bảo hiệu quả, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của ngư dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Phú Yên là một trong những địa phương có sản lượng cá ngừ đại dương, cá cờ kiếm xuất khẩu sang thị trường châu Âu cao. Tỉnh phải tăng cường tuyên truyền, giám sát, quản lý tàu cá, hạ tầng nghề cá; rà soát trách nhiệm công chức, viên chức các cảng cá trong thực hiện về IUU. Các lực lượng biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân… của tỉnh phối hợp, kiểm soát tốt vùng biển. Tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Thủy sản; rà soát lại và đầu tư hạ tầng thủy sản để hỗ trợ trong việc quản lý chặt chẽ đội tàu, giám sát tàu cá… Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng phải chặt chẽ, thực thi pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính phải đẩy lên một bước, đồng bộ.

Ông Nguyễn Tri Phương cho biết thêm, thời gian tới, Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh tiếp tục và thường xuyên phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU đến từng cán bộ, ngư dân; lập danh sách, khoanh vùng đối tượng để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn vi phạm; xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về IUU theo quy định và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục. Ban chỉ đạo tiến hành thành lập kiểm ngư địa phương, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý thủy sản, ưu tiên bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng khả năng thực thi nhiệm vụ về IUU; kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn/trạm biên phòng, đảm bảo theo dõi hoạt động tàu cá trên biển qua thiết bị giám sát hành trình. 

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!