Phú Yên: Hiệu quả của mô hình nuôi cá rô đầu vuông tại Hòa Mỹ Tây

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhận thấy cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Phú Yên triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại 4 hộ với quy mô 0,3ha tại xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa). Các hộ tham gia mô hình thả nuôi 30.000 con cá, mật độ 10 con/m2, được hỗ trợ 100% cá giống và 30% thức ăn, với tổng kinh phí thực hiện hơn 60 triệu đồng.

Để mô hình được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả cao, các hộ tham gia mô hình phải thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật đề ra, như: thực hiện đúng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nâng cao giá trị sản xuất… Ngoài ra, Ban quản trị HTX Hòa Mỹ Tây đứng ra làm đại diện cho nhóm hộ tham gia thực hiện mô hình và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Phú Yên ký hợp đồng lao động với 1 cán bộ kỹ thuật để theo dõi và hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình.

c-o140217.jpg

Nông dân huyện Tây Hòa tham quan, học tập mô hình nuôi cá rô đầu vuông tại xã Hòa Mỹ Tây – Ảnh: L.Viên

Trong suốt quá trình nuôi, cá không xảy ra dịch bệnh, tỉ lệ cá sống đạt 77%, cao hơn mục tiêu đề ra 7%. Sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 8 đến 9 con/kg, năng suất ước đạt 8,1 tấn/ha, cao hơn mục tiêu đề ra 1,1 tấn/ha. Giá bán cá thương phẩm ngay tại hộ nuôi 50.000 đồng/kg, còn bán để làm cá giống thì từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Kim Trung tham gia mô hình nuôi cá rô đầu vuông tại xã Hòa Mỹ Tây cho biết: Tôi nuôi 10.000 con cá rô đầu vuông trên diện tích 1.000m2. Lúc mới tham gia mô hình này, nhiều người cho rằng tôi sẽ không thu được kết quả gì. Tuy nhiên, nhờ được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Phú Yên và huyện tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá trong suốt thời gian nuôi, kết quả thu lãi gần 20 triệu đồng. Bây giờ tôi rất tự tin khi triển trai mô hình này.

Còn ông Trần Phước Sanh cũng tham gia mô hình này cho hay, mặc dù cá rô đầu vuông thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng việc cải tạo ao nuôi cũng phải hết sức cẩn thận. Ao phải chắc chắn, bờ ao phải thông thoáng, xung quanh ao nên rào lưới hoặc lát bê tông để ngăn không cho cá thoát ra ngoài. “Hình dáng cá rô đầu vuông giống như cá rô đồng nhưng khi cá có kích cỡ lớn, đầu cá có hình hơi vuông, thân dài có hai chấm đen ở gần đuôi và mang cá. Cá có đặc tính sinh học tương tự như cá rô đồng, nguồn thức ăn của cá khá đa dạng và phong phú, cá có thể ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, thức ăn tươi sống như cá tạp, tôm tép, ốc và các loại phế phẩm nông nghiệp như bột bắp, bột cám”, ông Sanh chia sẻ.

Ông Trần Văn Thái, Phó chủ nhiệm HTX Hòa Mỹ Tây nhận xét: Cá rô đầu vuông thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương, sinh trưởng nhanh, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, sẽ là điều kiện quan trọng để nhân rộng mô hình này, góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Nguyễn Khắc Tân, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Phú Yên, tổng chi phí triển khai mô hình này gần 60 triệu đồng, khi thu hoạch, cá bán được 120 triệu đồng. Đây là đối tượng nuôi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của nông dân địa phương. Việc tiêu thụ cá trên thị trường cũng khá thuận lợi nên hiện có nhiều nông dân muốn tham gia.

Kỹ sư Trần Nguyễn Lâm Viên - Trạm KNKN huyện Tây Hòa

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!