(TSVN) – Thông tin từ Sở NN&PTNT Phú Yên, những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng cá và tôm hùm nuôi lồng bị chết đột ngột tại xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu. Hiện, địa phương đang triển khai các giải pháp xử lý và sớm khắc phục sự cố.
Từ ngày 22 đến 24/6 đã có 88 hộ tại 6 vùng nuôi thủy sản của xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu xảy ra tình trạng tôm hùm, cá chết hàng loạt. Theo thống kê ban đầu, số lượng tôm hùm thịt bị chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm con (từ 1 đến 2 tháng tuổi) chết khoảng 6.000 con; cá biển các loại chết hơn 44,7 tấn. Ước tính thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng.
Theo thống kê ban đầu, số lượng tôm hùm thịt bị chết khoảng 1,7 tấn. Ảnh: QĐ
Đại diện Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết hàng loạt là do hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp kéo dài (khoảng 2 – 3 mg O2/l), dưới ngưỡng chịu đựng của các loài cá nuôi, tôm hùm. Ngoài ra, thời gian gần đây thời tiết trên địa bàn có nắng nóng kết hợp với mưa giông đột ngột vào chiều tối nên đã gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tiêu hao hàm lượng ôxy hòa tan, phát sinh dẫn đến ảnh hưởng môi trường nuôi trồng thủy sản.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương có nuôi trồng thủy sản tăng cường quản lý vùng nuôi, có biện pháp phù hợp để tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản, các giải pháp phòng chống dịch bệnh và hạn chế sự cố môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè nói riêng.
Đồng thời, Sở NN&PTNT Phú Yên cũng đã có những khuyến cáo kịp thời đến người nuôi. Theo đó, người nuôi không nuôi với mật độ dày mà phải tiến hành san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi.
Chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và có mực nước tối thiểu 4 m khi triều kiệt.
Giảm lượng thức ăn hằng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt, chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung Vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng của vật nuôi trong giai đoạn thời tiết thất thường như hiện nay.
Bên cạnh đó thường xuyên vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước, thường xuyên kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố có thể xảy ra.
Nên thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi ngay khi đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường, dịch bệnh.
Địa phương và người nuôi cần kéo tất cả số lồng nuôi có tôm, cá chết lên bờ nhằm giảm tải vùng nuôi và tăng cường lưu thông nước. Ngoài ra cần tổ chức vớt, thu gom xác thủy sản chết trôi nổi trên đầm đưa vào bờ xử lý hợp vệ sinh nhằm tránh tình trạng vùng nuôi tiếp tục bị ô nhiễm.
Lê Loan