Phú Yên: Nuôi trồng thủy sản đảm bảo ổn định

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong tháng 7/2024, hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh Phú Yên đảm bảo sự ổn định khi sản lượng vẫn tăng đều so cùng kỳ.

Theo Cục Thống kê Phú Yên, trong tháng 7/2024, diện tích thủy sản thả nuôi khoảng 360 ha, giảm 2,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá 40 ha, tăng 4,5%; tôm 306 ha, giảm 3,2%; thủy sản các loại 14 ha, bằng 100% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, diện tích thả nuôi ước đạt 2.505 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá 219 ha, tăng 1,7%; tôm 2.046 ha, tăng 0,8%, thủy sản khác 240 ha, bằng 100% so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 9.498 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá 6.443 tấn, tăng 1,7%; tôm 2.159 tấn, tăng 4,5%; thủy sản khác 896 tấn, tăng 1,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 2.481 tấn, tăng 6,2%, trong đó: Cá 242 tấn, tăng 24,1%; tôm 2.114 tấn, tăng 4,6%; thủy sản các loại 125 tấn, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước.

Người nuôi cần chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: BPY

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 61.697 tấn, tăng 4% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá 46.102 tấn, tăng 3,4%; tôm 9.297 tấn, tăng 5,4%; thủy sản khác 6.298 tấn, tăng 6,1%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 10.709 tấn, tăng 6,8%, trong đó: Cá 1.229 tấn, tăng 19,1%; tôm 8.973 tấn, tăng 5,4%; thủy sản các loại 507 tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước.

Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng PL15 trong tháng 7/2024 ước đạt 65 triệu con, gấp 2 lần so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, số lượng giống tôm thẻ chân trắng sản xuất được khoảng 752 triệu con, bằng 100% so cùng kỳ năm trước.

Về tình hình dịch bệnh, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm, ý thức phòng, chống dịch bệnh của các hộ nuôi thường xuyên được coi trọng. Đã có khoảng 42,5 ha tôm nhiễm bệnh, trong đó: 27 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính; 1,5 ha bị hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô; 1 ha bị bệnh vi bào tử trùng; 13 ha bị đốm trắng và 2 ha cá bị bệnh hoại tử thần kinh. Diện tích tôm bị bệnh tập trung ở thị xã Đông Hòa 31,5 ha, huyện Tuy An 10 ha, thị xã Sông Cầu 1 ha. Các ngành chức năng đã hướng dẫn các biện pháp phòng và chữa bệnh, cấp thuốc sát trùng Sodium Chlorite 20% để xử lý hồ nuôi, tiếp tục theo dõi không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng..

Thời gian tới, Sở NN&PTNT Phú Yên yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo diễn biến môi trường các vùng nuôi, khuyến cáo các giải pháp xử lý phù hợp; chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, có kế hoạch thả giống, mật độ thả nuôi phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của môi trường, dịch bệnh và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Đối với người nuôi, khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, cần thông báo cho chính quyền địa phương hoặc trạm chăn nuôi và thú y biết để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không được xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết hoặc bị bệnh ra môi trường chung, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng và chống dịch bệnh.

Đối với nuôi tôm hùm và cá trong lồng, để hạn chế thiệt hại, người dân cần chuyển đổi phương thức nuôi tôm hùm, từ việc nuôi trong lồng bè truyền thống sang nuôi trong bể, sử dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát môi trường nuôi. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế để chuyển giao công nghệ nuôi tiên tiến, phát triển các giống tôm có khả năng kháng bệnh cao và phù hợp với điều kiện môi trường tại Phú Yên.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!