Để xác định mức độ ô nhiễm tại các vùng nuôi thủy sản, mới đây, Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên đã lấy mẫu nước tiến hành xét nghiệm tại 16 điểm quan trắc trên địa bàn tỉnh.
Cải tạo kỹ ao nuôi giúp hạn chế ô nhiễm môi trường nước – Ảnh: Phạm Ngọc Chung
Cụ thể, vùng nuôi thuộc đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) có độ mặn ổn định 35 – 36‰, khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy An) ở mức 31 – 32‰, vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) dao động ở mức 15 – 35‰. Độ kiềm và pH ở hầu hết các điểm thu mẫu nằm trong ngưỡng cho phép (trừ điểm Vũng Diều (xã An Cư, huyện Tuy An) và Phước Giang (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa) có pH nước hơi thấp (7,5). Bên cạnh đó, hàm lượng photphat cao gấp 2 – 4 lần so với ngưỡng cho phép được phát hiện tại các điểm Diêm Hội (xã An Hòa, huyện Tuy An) và Phước Giang; hàm lượng NH3 ở Diêm Hội khá cao (1,03 mg/l). Trung tâm cũng phát hiện ô nhiễm vi sinh ở các điểm thu mẫu Diêm Hội và Phước Giang với mật độ Vibrio tổng số cao trên ngưỡng cho phép 1,5 – 3 lần, có thể gây ra cho tôm nuôi nhiễm các bệnh do nhiễm khuẩn, nhất là hoại tử gan tụy cấp.
Trước tình hình trên, Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên khuyến cáo, người nuôi nên bơm nước vào ao ở những thời điểm nước lớn, tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung.