Phú Yên: Phát triển nghề câu cá ngừ – Triển khai đồng bộ các giải pháp

Chưa có đánh giá về bài viết

Là “cái nôi” của nghề câu cá ngừ, sản lượng đạt 3.500 – 5.500 tấn/năm, Phú Yên trở thành tỉnh dẫn đầu trong cả nước về khai thác loại hải sản này. Tuy nhiên, để nghề này phát triển bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Ngư dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) vận chuyển cá ngừ đại dương lên bờ sau những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển – Ảnh: A.NGỌC

Nghề câu cá ngừ ở Phú Yên được hình thành từ năm 1994, xuất phát từ ngư dân làm nghề câu cá mập ở làng biển Phú Câu (phường 6, TP Tuy Hòa). Những năm qua, nghề câu cá ngừ ở Phú Yên không ngừng được phát triển cả về qui mô và chất lượng. Sản lượng cá ngừ khai thác được năm sau cao hơn năm trước, từ 3.500 – 5.500 tấn/năm. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, sản lượng cá ngừ mà ngư dân Phú Yên khai thác được đạt trên 5.520 tấn, chủ yếu là cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng.

Hiện Phú Yên có khoảng 7.200 chiếc tàu thuyền khai thác hải sản, tổng công suất hơn 207.850 CV, trong đó 698 tàu khai thác cá ngừ. Các tàu đều trang bị máy tời thủy lực để thu câu, số lượng 700 – 1.000 lưỡi câu mỗi vàng (chiều dài của dây triên khoảng 40 – 60 km), tùy thuộc vào cỡ tàu lớn hay nhỏ. Nghề câu cá ngừ ở Phú Yên tập trung chủ yếu tại các xã, phường ven biển thuộc TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa và Tuy An. Các tàu tổ chức thành từng tổ, nhóm để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác và giúp nhau khắc phục sự cố, rủi ro xảy ra trên biển, hàng trăm hộ ngư dân nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Tuy vậy, để tiếp tục phát triển nghề câu cá ngừ, ngư dân cần đẩy mạnh việc hợp tác đánh bắt theo hình thức các tổ, đội tàu thuyền an toàn. Các tổ, đội tàu thuyền khai thác cá ở vùng biển xa phải được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại về thông tin liên lạc, hàng hải; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội nhằm phát triển mạnh các tổ đội khai thác hải sản xa bờ, kết hợp với việc bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển của Tổ quốc; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho ngư dân về khai thác, bảo quản hải sản sau khi khai thác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hải sản. Tổ chức tập huấn cho thuyền trưởng các tổ, đội về luật pháp của quốc tế và Việt Nam liên quan đến biển, đảo, về kỹ thuật khai thác hải sản, phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ việc phát triển các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển, như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo kỹ thuật bảo quản hải sản cho ngư dân. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các tổ, đội có tàu thuyền thực hiện nhiệm vụ hậu cần, tiếp sức cho các tàu hoạt động ở ngư trường khơi để ngư dân tăng khả năng bám giữ ngư trường; có chính sách hỗ trợ người dân sống tại các đảo và vùng ven biển phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo để đảm bảo việc cung cấp và tiếp ứng các nhu cầu của ngư dân. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như cảng cá, kho lạnh tại cảng, chợ đầu mối đấu giá cá ngừ… Có như vậy, nghề câu cá ngừ ở Phú Yên mới thực sự phát triển bền vững.

NGUYỄN KHẮC TÂN

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!