T2, 06/07/2020 10:08

Phú Yên: Xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền: Nhiều bất cập

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, Phú Yên đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp các cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu), Tiên Châu (Tuy An), phường 6 và Đông Tác (TP Tuy Hòa) và nhiều bến cá nhỏ nằm rải rác tại các địa phương ven biển. Tuy nhiên, việc đầu tư, khai thác các cảng cá đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng, tàu thuyền ra vào, neo đậu khó khăn.

Vừa lãng phí, vừa quá tải

Cảng cá Tiên Châu, xã An Ninh Tây (Tuy An) được xây dựng theo Chương trình biển Đông, hải đảo của Trung ương, với tổng vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng được đưa vào sử dụng từ năm 2006. Theo thiết kế, cảng cá Tiên Châu tiếp nhận mỗi ngày khoảng 300 lượt tàu có công suất lớn, với lượng hàng thủy sản từ 6.000-10.000 tấn và bãi tập kết cá rộng 1.620m2. Tuy nhiên, cảng cá này không phát huy hết tác dụng, thậm chí biến thành “công viên” cho ngư dân dạo chơi, tập thể dục.

Hiện cảng cá Tiên Châu có hơn 20 tàu cá chuyên khai thác cá ngừ đại dương cập cảng, nhưng cũng chỉ để làm nước (sửa chữa nhỏ). Ông Nguyễn Bé ở thôn 2, xã An Ninh Tây cho biết, mỗi ngày có hàng trăm tàu cá vào cửa biển, nhưng không vào cảng cá Tiên Châu, mà lại đi vòng qua bến cá ở thôn 5, xã An Ninh Đông để tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận vật tư, nhiên liệu. Những tàu cá đang ở tại cảng Tiên Châu là tàu câu cá ngừ đại dương từ các nơi kéo về để tu sửa, hay chuyển sang khai thác gần bờ khi đến mùa biển động, chứ không hề có tàu nào vào để bán cá. Theo bà con ngư dân, cảng Tiên Châu không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi cập cảng. Vị trí nằm quá xa cửa biển (trên 1,5km), trong khi đó dòng chảy sông Bình Bá thường cạn kiệt, bị cát bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn, khiến nhiều tàu cá khi vào cảng neo đậu bị nghiêng và chìm. Bất cập nhất là nước sông luôn ở mức thấp, nhưng cầu cảng lại nằm ở vị trí cao, chênh nhau từ 2-3m, gây khó khăn trong bốc dỡ cá và vật tư. Theo thiết kế, cảng Tiên Châu có hai bến nhưng cả hai đều rất bất tiện cho tàu cập cảng. Bến lớn nối với cầu cảng chính dài 80m, rộng 12m phục vụ cho tàu có công suất từ 150-500CV, cao so với mạn tàu từ 2-3m. Trong khi đó bến nhỏ dài 100m, phục vụ cho tàu có công suất từ 33-150CV chỉ rộng khoảng 2m, thấp hơn mặt bằng cảng chính khoảng 2m, có lối đi bằng các bậc tam cấp rất bất tiện cho việc bốc dỡ, vận chuyển hải sản. Chính vì vậy, từ khi đưa vào vận hành cho đến nay, một số hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá như nhà dịch vụ công cộng; cửa hàng và các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc, xe cẩu… vẫn chưa được đầu tư.

cang-ca121011.jpg 

Cầu cảng cảng cá Tiên Châu quá cao so với mực nước sông – Ảnh: P.Nam

Ngoài cảng Tiên Châu, hiện nay, nhiều cảng cá, bến cá trong tỉnh đang bị quá tải bởi hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản ngày càng phát triển; trong đó phải nói đến cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa). Cảng cá phường 6 mỗi năm tiếp nhận hàng trăm lượt tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, với sản lượng đánh bắt 3.000-3.500 tấn hải sản. Xuất phát điểm là một bến cá nhỏ, sau đó cảng cá phường 6 được nâng cấp rộng hơn 500m2, trong khi đó cửa sông Đà Diễn ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra vào khó khăn, nguy hiểm. Theo nhiều ngư dân, trước đây tại chân cầu cảng nước sâu từ 2-3m, nay bị cát bồi lấp nghiêm trọng, nhiều đoạn lấp ngang bằng mặt cảng. Ông Trần Kim Hoa ở khu phố Bạch Đằng, phường 6 (TP Tuy Hòa), chủ ba tàu cá đánh bắt xa bờ cho biết, từ tháng 4 âm lịch cảng cá đã bị cát bồi lấp. Năm nào lũ lớn, nước đẩy cát ra biển, nhưng năm nay lượng cát bồi lấp quá lớn, gây trở ngại cho tàu thuyền ra vào và neo đậu. Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, hiện có trên 40 tàu câu cá ngừ đại dương phải ra tận các bến, cảng ở huyện Tuy An để tu sửa, bốc dỡ hàng hóa vì không còn chỗ neo đậu do cửa biển Đà Diễn đã bị bồi lấp nặng, gây trở ngại cho tàu thuyền ra vào. Đã có 7 tàu cá mắc cạn, bốn tàu chìm gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Mùa mưa lũ, việc neo đậu tàu thuyền càng trở ngại hơn nên không ít tàu phải neo đậu dọc bờ kè đường Bạch Đằng, gây khó khăn cho việc quản lý. Khi thủy triều xuống, nhiều tàu cá công suất lớn không thể cập cảng để bán cá và tiếp nhận nhiên liệu, phải đi nơi khác làm tăng chi phí xăng dầu.


Cần xây dựng, nâng cấp

Ông Hồ Đức Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết, để tàu thuyền ra vào cảng cá phường 6 thuận lợi, UBND tỉnh đã giao TP Tuy Hòa lập dự án nạo vét cửa sông Đà Diễn. Hiện nay hồ sơ dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh với tổng kinh phí 15 tỉ đồng, nạo vét gần 360.000m3 cát. Do kinh phí quá lớn nên khi xây dựng dự án, địa phương phải tính đến phương án tự cân đối lấy thu bù chi. Tuy dự án mang tính cấp bách, nhưng cũng cần phải được nghiên cứu một cách khoa học, đảm bảo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào, đồng thời tránh tác động xấu đến môi trường.

Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện có hai cảng cá lớn nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó cảng cá Phú Lạc đã hoàn thành thiết kế nhưng chưa bố trí được vốn. Sở NN-PTNT đang làm chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Đông Tác, gồm cảng cá, vùng nước đậu cho tàu thuyền và các dịch vụ trên bến. Theo ông Biện Minh Tâm, từ năm 2008 trở về trước, việc quản lý, khai thác các cảng cá trên địa bàn tỉnh do Ban quản lý các cảng cá trực thuộc Sở NN-PTNT, sau đó tỉnh giao lại cho các địa phương quản lý. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc huy động vốn để xây dựng, nâng cấp hệ thống các cảng cá.

Từ những bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý các cảng cá, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển sớm kiểm tra, xác định những tồn tại ở cảng cá để có giải pháp khắc phục, khai thác hợp lý, đạt hiệu quả. Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV vừa qua cũng đã xác định các giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đó là việc bổ sung, hoàn thiện quy hoạch kinh tế, xã hội các huyện, thị, thành phố ven biển và các ngành liên quan, đồng thời quản lý chặt chẽ quy hoạch để phát triển đúng định hướng; đẩy mạnh khai thác thủy sản theo hướng ưu tiên tập trung vùng biển khơi, trong đó chú trọng mở rộng năng lực đánh bắt xa bờ, hoàn thiện, mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày thông qua việc thực hiện các chính sách tín dụng, hỗ trợ năng lực sản xuất.

Phương Nam

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!