(TSVN) – Hỏi: Phương pháp xử lý ao nuôi khi có dịch bệnh nguy hiểm?
(Trần Công Hiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)
Trả lời:
Trong quá trình nuôi tôm thương phẩm khi gặp trường hợp tôm bị bệnh nhất là các bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy hay bệnh đốm trắng, người nuôi phải làm tốt khâu kỹ thuật xử lý ao nuôi.
Nếu tôm bị bệnh hoại tử gan tụy: Có thể thu hoạch nếu tôm to, còn tươi sống. Trường hợp ngược lại, tôm nhỏ cần ngừng cho ăn, ngưng quạt nước hoặc thổi khí, dùng hóa chất sát khuẩn mạnh để sát khuẩn ao nuôi, có thể 2 – 3 ngày lặp lại một lần, ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao chứa và ao chứa nước thải. Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, tiến hành cải tạo đáy ao và bón vôi. Sau đó phơi ao khoảng 1 tháng. Dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh trong ao. Việc phun hóa chất có thể lặp lại 2 – 3 lần trong 1 tháng phơi ao. Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại. Chú ý: Cần ngâm rửa đáy ao cho đến khi pH ổn định rồi mới lấy nước vào ao.
Nếu tôm bị bệnh đốm trắng: Dùng Chlorine để xử lý ao nuôi tôm. Ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao và ao chứa nước thải. Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy sau đó tiến hành cải tạo đáy ao và phơi ao, thời gian 1 tháng. Dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh trong ao. Việc phun hóa chất lặp lại giống như đối với xử lý ao tôm bị bệnh gan tụy. Chú ý: Không sử dụng các chất diệt giáp xác có nguồn gốc là bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong quá trình xử lý nước ao nuôi. Không nên lấy nước trực tiếp vào nuôi để xử lý. Đối với tôm đang nuôi, người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý nước ao cho phù hợp, cung cấp khoáng chất cần thiết nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Ban KHKT