T5, 06/06/2024 09:58

PSMA: Bước ngoặt hợp tác quốc tế chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Có hiệu lực vào ngày 5/6/2016, Hiệp định về biện pháp các quốc gia có cảng (PSMA) của FAO hướng đến mục tiêu bảo tồn lâu dài và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển cũng như hệ sinh thái biển.

PSMA là công cụ đầu tiên và cho đến nay là công cụ mang tính ràng buộc pháp lý duy nhất ở cấp độ quốc tế, nhằm ngăn chặn sản lượng đánh bắt IUU tiếp cận thị trường. Việt Nam cùng với 77 quốc gia khác đã ký tham gia thỏa thuận này và đang nỗ lực các hoạt động chống khai thác bất hợp pháp.

Mối nguy hại từ khai thác quá mức

Theo số liệu năm 2022 của FAO, mức tiêu thụ thủy hải sản trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với cách đây 50 năm. Sự gia tăng này đã đẩy sản lượng thủy sản toàn cầu tăng 4 lần trong ít nhất 50 năm qua, kéo theo hoạt động khai thác và đánh bắt hết công suất tại gần 90% trữ lượng thủy sản thế giới.

Khai thác và đánh bắt quá mức đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bền vững của nguồn lợi thủy hải sản, phá vỡ sự đa dạng sinh học hoặc làm suy yếu các chức năng của hệ sinh thái mà hệ quả tồi tệ nhất là nguy cơ “xóa sổ” nguồn lợi thủy sản.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực quốc gia và khu vực trong bảo tồn hệ sinh thái biển và mục tiêu phát triển nghề cá bền vững là tình trạng đánh bắt quá mức là hoạt động khai thác IUU.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra chung với Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Cảnh sát biển

Trong khi đó, sự tồn tại các cảng biển cho phép tàu cá khai thác IUU cập bến và đưa sản lượng đánh bắt cá bất hợp pháp vào thị trường nội địa vẫn là vấn đề nhức nhối.

Khai thác IUU không chỉ làm suy yếu các nỗ lực cấp quốc gia và khu vực nhằm bảo tồn và quản lý trữ lượng cá, cản trở tiến trình đạt được các mục tiêu bền vững dài hạn, mà còn gây tổn hại cho những ngư dân có trách nhiệm, trung thực và hoạt động phù hợp với các điều khoản trong giấy phép đánh cá. Hoạt động này còn đe dọa đa dạng sinh học biển, khi 30% trữ lượng cá toàn cầu hiện đang bị đánh bắt vượt quá mức bền vững về mặt sinh học, từ đó sẽ đe dọa sinh kế trong tương lai của ngư dân.

Lan tỏa giá trị từ PSMA

Hiệp định PSMA giúp hạn chế việc tiếp cận cảng của các tàu đánh cá không tuân thủ một loạt các quy tắc, bao gồm việc chứng minh rằng họ có giấy phép hoạt động thích hợp và công bố rõ ràng về loài và số lượng thủy sản đánh bắt. PSMA là cột mốc của nhiều năm nỗ lực ngoại giao để chống lại hậu quả của tình trạng khai thác IUU, lên tới 26 triệu tấn, trị giá khoảng 23 tỷ USD mỗi năm và là một mối đe dọa lớn đối với tất cả các nỗ lực nhằm tăng cường đánh bắt bền vững trong các đại dương trên thế giới.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư từng chia sẻ, Việt Nam đã triển khai có hiệu quả Hiệp định PSMS có cảng tại 14 cảng biển chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng: Từ tháng 10/2023 đến ngày 15/3/2024 đã xác nhận 394 lô hàng/8.995 tấn của 15 loài thủy sản khai thác nhập khẩu. Hiện chưa nhận được phản ánh, vướng mắc liên quan đến các lô hàng xác nhận. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ “rửa cá kiếm” theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4. Đối với hợp tác quốc tế, đến nay Kiểm ngư Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với một số nước như: Trung Quốc, Philippine, Brunei; đang tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận, quy chế đường dây nóng với Thái Lan, Indonesia, Campuchia.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Cục Kiểm ngư cho biết, Việt Nam gia nhập PSMA vào năm 2019 và đã đạt được những kết quả nhất định khi triển khai Hiệp định này. Đó là: Bộ NN&PTNT đã Tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg ngày 4/6/2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định PSMA nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác IUU của FAO đến năm 2025. Cùng đó, tham mưu hoàn thiện khung pháp lý chính sách của Việt Nam đảm bảo tuân thủ thực hiện Hiệp định và các hiệp định quốc tế khác liên quan một cách hiệu quả. Tham mưu Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ nội luật hóa các quy định của PSMA tại điều 70 của Nghị định 26/2019/NĐ-CP; tham mưu trình Bộ ban hành hướng dẫn quy trình kiểm soát tàu nước ngoài đánh bắt thủy sản, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác vận chuyển vào Việt Nam. 

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp thực thi PSMA một cách hiệu quả. Xây dựng hệ thống phần mềm theo dõi thực hiện Hiệp định tại các địa phương; tổ chức thông báo cho cơ quan chức năng Việt Nam và nước ngoài về các tàu nước ngoài khai thác trái phép. 

Một trong những kết quả phải kể đến theo bà Trang đó là Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định cho các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như giới thiệu quy định của pháp luật việt Nam thực hiện Hiệp định. Đồng thời, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc tế để tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ thực thi Hiệp định cho các cán bộ chiến sĩ, nhân viên tại các cảng chỉ định cũng như các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Bộ.

Theo bà Nhung, Việt Nam gia nhập PSMA đã có nhiều tác động tích cực: Là một trong những cơ sở cần thiết góp phần triển khai công tác kiểm soát quản lý hoạt động nhập khẩu, khai thác và sử dụng sản phẩm thủy sản theo các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế; Tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật của thủy sản Việt Nam tiếp cận với pháp luật quốc tế hiện đại, nội luật hóa quy định của quốc tế, phù hợp bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện nay; Thể hiện trách nhiệm là quốc gia thành viên của công ước Luật Biển 1982, trong việc tham và thực hiện nghiêm chỉnh quy định điều ước quốc tế; Thể hiện trách nhiệm chung với các tổ chức nghề cá khu vực, các nước thành viên của Hiệp định trong việc bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản và cam chết chống khai thác IUU. Khi tham gia Hiệp định, Việt Nam sẽ được đánh giá tích cực trong quá trình hội nhập và cam kết thực hiện trách nhiệm của quốc gia khi tham gia các điều ước quốc tế và từ đó có các hội tham gia diễn đàn quốc tế để xuất kiến nghị liên quan đến lợi ích quốc gia.

Theo các chuyên gia, trao đổi thông tin ở cấp độ toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước tham gia PSMA phát hiện kịp thời và xử lý các hoạt động đánh bắt IUU cũng như những tội phạm khác liên quan. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả lúc này là cộng đồng quốc tế cần hợp sức và tham gia PSMA khi đây dường như vẫn là một trong những công cụ hiệu quả nhất để đẩy lùi thủy, hải sản đánh bắt IUU ra khỏi thị trường.

Hoài Phương

Theo FAO, đánh bắt IUU xảy ra ở khắp nơi, từ Biển Đông cho đến ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi, ở phía Đông Ấn Độ Dương, khắp châu Đại Dương và xung quanh Nam cực. Cứ 5 con cá đánh bắt trên thế giới thì có 1 con từ đánh bắt IUU; hoạt động này gây thất thoát từ 11 - 26 triệu tấn cá mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế từ 10 - 23 tỷ USD.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!