(TSVN) – Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26 của Chính phủ, tất cả các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Đây cũng là điều kiện để thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, cũng như nhằm khắc phục nội dung khuyến cáo của EC về chống khai thác IUU.
Tại Quyết định 81/QĐ-TTg Ban hành “Kế hoạch hành động chống khai IUU chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Âu EC lần thứ 4” của Chính phủ cũng đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong đó có vấn đề về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Tiến hành thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Mặt khác, tiến hành xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS. Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh.
Cán bộ Biên phòng kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá Kiên Giang. Ảnh: Văn Dương
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, đến ngày 27/2/2023, cả nước có 28.787/29.791 tàu cá từ 15 m trở lên đã được lắp đặt VMS (đạt tỷ lệ 96,62%). Trong số 972 tàu cá chưa được lắp đặt, Quảng Ngãi có nhiều nhất với 238 tàu, Kiên Giang 193 tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu 126 tàu, Tiền Giang 80 tàu, Quảng Bình 64 tàu. Trung bình mỗi ngày có 286 lượt tàu bị mất kết nối, một số địa phương chưa nắm được tàu đang ở đâu. Số lượng tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá còn thấp, chỉ khoảng 50%. Trong đó, có tỉnh tỷ lệ kết nối hàng ngày rất thấp dưới 30%, ví dụ: Đà Nẵng (chỉ 5% – không có ý nghĩa về giám sát tàu cá); Thừa Thiên – Huế 13%, Nghệ An 27%, Quảng Trị 16%, Hà Tĩnh 17%, Thanh Hóa 22% và Quảng Ngãi 23%. Trong khi Kiên Giang, Cà Mau tỷ lệ kết nối từ 70 – 80%… Số lượng tàu cá bị mất kết nối trên 6 tháng là 4.792 tàu, chiếm 17% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống giám sát tàu cá. Số lượng tàu cá bị mất kết nối trên 1 năm là 2.372 tàu, chiếm 8%. Đến nay, chỉ mới có 25 địa phương tổ chức trực 24/7, còn 3 tỉnh chưa tổ chức trực là Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi; có 24 địa phương đã ban hành các quy trình xử lý các tàu vi phạm vượt ranh giới, tàu cá mất kết nối trên biển; 4 địa phương chưa xây dựng các quy trình là Hà Tĩnh, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu. Cả nước cũng mới chỉ có 14 địa phương đã ban hành quy trình tháo gỡ, lắp đặt thiết bị.
Tại tỉnh Cà Mau, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu kết nối, công tác thống kê sản lượng thủy sản khai thác. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định về cơ quan, tổ chức độc lập có chức năng xác định nguyên nhân mất kết nối thiết bị VMS. Sớm ban hành quy chuẩn về thiết bị giám sát hành trình; quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản để xử lý.
Báo cáo của Sở NN&PTNT, tỉnh Quảng Ngãi có trên 4.540 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên đánh bắt xa bờ trên 3.200 chiếc. Hiện có trên 98,8 % tàu cá khai thác hải sản xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Còn 38 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phần lớn tàu có công suất nhỏ, làm nghề khai thác cá nổi nhỏ, chủ yếu hoạt động gần bờ, đi về ở các bãi ngang ven biển. Danh sách tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được Sở thống kê hàng tháng gửi cho các cơ quan, địa phương trong và ngoài tỉnh theo dõi, giám sát và xử lý khi các tàu này tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã đề nghị các bộ, ngành có sự phối hợp chặt chẽ; theo đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Tổng cục sớm có hướng dẫn việc xử lý vi phạm đối với tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển và mất kết nối trên biển bảo đảm đúng quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm bảo mật thông tin dữ liệu giám sát. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cung cấp trao đổi thông tin phát hiện những tàu cá có nguy cơ vi phạm hệ thống giám sát tàu cá. Cùng đó, Bộ Ngoại giao sớm cung cấp thông tin chính thức về tọa độ các đường ranh giới giữa Việt Nam với các nước trong khu vực để có căn cứ pháp lý đưa lên hải đồ điện tử hệ thống giám sát tàu cá. Bộ Tư lệnh biên phòng chỉ đạo các lực lượng biên phòng các tỉnh kiểm soát chặt chẽ tàu xuất, cập bến. Kiên quyết không cho ra khơi với các trường hợp tàu cá không có tín hiệu giám sát hành trình trên hệ thống, thiết bị không có niêm phong kẹp chì hoặc bị hỏng.
Diệu An