(Thủy sản Việt Nam) – Trong tình hình ngành thủy sản đối mặt khó khăn gay gắt, ngày 16-4, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Công ty CP Tư vấn BnA tổ chức hội thảo về giải pháp ứng dụng công nghệ “quản lý hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ngành thủy sản” có ý nghĩa tích cực.
Nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hiện nay đã đầu tư lớn vào cơ sở vật chất như các thiết bị, nhà máy, nhân sự, có thể nói không thua kém các thương hiệu lớn trong những ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, việc ứng dụng linh hoạt các giải pháp công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn, chất lượng sản phẩm, quản lý hàng tồn, quản lý quy trình xuất nhập khẩu, quản trị hệ thống phân phối, kiểm soát các chỉ tiêu tài chính, quản trị khách hàng lại chưa tương xứng.
Đại diện VASEP cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp thủy sản hiện nay, bên cạnh nguyên nhân ở điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ, khiến lãi suất tiền vay và hoạt động tín dụng chưa phục vụ sản xuất kinh doanh, còn có nguyên nhân ở các doanh nghiệp trong quản lý nguồn lực. Vì quản lý thiếu khoa học, không phát triển được liên kết, hợp tác trong chuỗi giá trị gia tăng, nên khi gặp khó khăn từ bên ngoài, nguồn lực của doanh nghiệp vừa tích lũy được đã bị tổn thất nhanh chóng, thậm chí là tiêu tan.
Ông Lê Đình Lâm, Giám đốc Tư vấn của BnA Corp phát biểu: “Với kinh nghiệm hơn 10 năm tư vấn, tham gia nhiều dự án và tiếp xúc với nhiều lãnh đạo của các công ty thủy sản thì theo chúng tôi nhận định hầu hết các công ty thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý và hoạch định nguồn lực. Lấy một ví dụ nhỏ là riêng việc ban giám đốc phải mất khá nhiều thời gian để có được dữ liệu báo cáo nhằm phục vụ cho việc ra quyết định trong kinh doanh đã làm mất cơ hội và lợi thế cạnh tranh trong môi trường khốc liệt như hiện nay”.
Những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là việc quản lý một cách hiệu quả hàng hóa xuất kho, tồn kho dẫn đến thất thoát hàng hóa hoặc tồn kho quá nhiều, những mặt hàng không cần thiết hoặc không kiểm soát được nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho các đơn hàng sản xuất dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, các nguồn lực khác như nguồn vốn tài chính, chuỗi cung ứng, kênh phân phối, nhân lực cũng không được quản lý hiệu quả, dẫn đến thất thoát, lãng phí trong kinh doanh, giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dự hội thảo gồm đại diện nhiều doanh nghiệp thủy sản, các nhà quản lý đã thống nhất, để tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp thủy sản cần có sự đánh giá đúng tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ quản lý nguồn lực và đầu tư đúng mực. Đó là những giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đón đầu được các cơ hội.
Sáu Nghệ