Là một tổ chức quốc tế quyền lực trong việc quản lý dịch bệnh toàn cầu, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đang nỗ lực gắn kết với các quốc gia để ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành thủy sản bởi nó cung cấp 50% nguồn đạm động vật cho con người.
Cần được coi trọng
Tại nhiều quốc gia, thú y là ngành được coi trọng từ khâu đào tạo. Các bác sĩ thú y được cấp phép hoạt động đều phải trải qua khóa đào tạo nghiêm ngặt. Những người có năng lực, kiến thức tốt thực sự mới có thể trở thành bác sĩ thú y. Theo OIE, nếu không có hệ thống nhân lực chất lượng trong ngành thú y tại từng quốc gia, OIE khó nắm bắt được tình hình dịch bệnh toàn cầu để sớm đưa ra hướng giải quyết.
Song song đó, nhiều quốc gia cũng chú trọng xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả. Tại Hàn Quốc, Chính phủ chia ngành thú y thành hai cơ quan để dễ quản lý là Cục Phòng chống dịch bệnh động vật và Cục Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thú y. Hai cơ quan này đều trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc. Đức cũng quản lý ngành thú y bằng Viện Vệ sinh Thú y thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng, lớn hơn Viện Vi trùng và Viện Siêu vi trùng thú y.
OIE cũng đang nỗ lực xây dựng các hệ thống văn bản pháp luật áp dụng chung cho các nước hay lãnh thổ thành viên nhằm giúp họ tự bảo vệ ngành thủy sản trước nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh mà không cần phải dựng các rào cản kiểm dịch phi lý.
Luật và ý thức
OIE đã lập ra Quy tắc Thú y thủy sản và Bản hướng dẫn thực hành chẩn đoán bệnh thủy sản, do Ủy ban Quản lý Tiêu chuẩn thú Y thủy sản chịu trách nhiệm nội dung; với sự trợ giúp của nhiều chuyên gia quốc tế nổi tiếng trong ngành thú y. Tổ chức này cũng khẳng định, nếu nghiêm túc áp dụng những quy chuẩn OIE đã đúc rút, khả năng quản lý dịch bệnh thành công sẽ rất cao. Do đó, ý thức của những người tham gia ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là người nông dân hay doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Những quy chuẩn này đều được OIE hướng dẫn thực hiện khá chi tiết.
Tuy vậy, OIE cần những quy tắc, luật lệ đó phải được áp dụng một cách có trách nhiệm. Do đó, việc đào tạo, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người nuôi trồng thủy sản được OIE đặc biệt quan tâm, nhất là ở những quốc gia châu Á. Từ năm 2006, OIE đã tổ chức hội nghị về thú y trong ngành thủy sản tại Na Uy nhằm nâng cao công tác quản lý dịch bệnh hiệu quả trên toàn cầu. Năm 2011, hội nghị này tiếp tục được tổ chức tại Panama nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thú y trong thủy sản và xây dựng một khung toàn cầu cho việc quản lý hiệu quả, ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh thủy sản.
Trên 50 năm nghiên cứu sâu trong lĩnh vực vật nuôi thủy sản, OIE thường xuyên động viên, khuyến khích các thành viên tuân thủ hệ thống quy chuẩn, luật lệ để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, đồng thời kinh doanh các sản phẩm này theo quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch. Việc nâng cao ý thức áp dụng quy chuẩn không còn là trách nhiệm của riêng OIE. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của chính phủ nước đó, sự gắn kết chặt giữa các bác sĩ thú y, các chuyên gia thú y thủy sản, người nông dân… nhằm mục đích cuối cùng vì sức khỏe của cả cộng đồng.
>> OIE có 27 phòng thí nghiệm và 1 trung tâm hợp tác về dịch bệnh thủy sản, được coi là mắt xích quan trọng trong chiến dịch ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh thủy sản và kiểm soát dịch bệnh thông qua hàng loạt dịch vụ như chẩn đoán dịch bệnh, chuyên gia tư vấn luôn sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp. |