Hiện toàn tỉnh có 7 cơ sở sản xuất tôm giống để cung ứng cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn. 8 tháng năm 2015, các cơ sở này đã sản xuất hơn 1,3 tỷ tôm giống, trong đó có hai cơ sở lớn là Công ty cổ phần C.P. Việt Nam – Chi nhánh Quảng Bình gần 1,3 tỷ tôm giống và Trung tâm Giống thủy sản (Sở NN&PTNT) 27 triệu tôm giống.
Theo thống kê, năm 2015 diện tích nuôi tôm 962 ha, đạt 77% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ, cụ thể: nuôi tôm sú 237 ha, tôm thẻ chân trắng ao đất 503 ha, ao cát 221 ha. Sản lượng tôm đạt hơn 4.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn như: công tác kiểm soát nguồn giống và kiểm soát dịch bệnh; người dân nuôi tôm còn theo phong trào, không nắm vững kỹ thuật, quy trình nuôi, xả thải tùy tiện ra môi trường…
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn chưa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ về kiểm soát, kiểm dịch, khuyến cáo, hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi tôm từ khâu mua giống, áp dụng các biện phát kỹ thuật nuôi, xử lý dịch bệnh, thanh kiểm tra và xử lý các đơn vị cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản kém chất lượng.
Do vậy, xuất hiện tình trạng có hộ phải nuôi 7 tháng, thậm chí 9 tháng tôm mới đủ kích cỡ tiêu thụ thay vì khoảng 3,5 tháng như trước đây và giá bán tôm năm 2015 thấp hơn so với các năm nên hiệu quả không cao (ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh chỉ có 20% hộ nuôi có lãi, còn lại chỉ hòa vốn hoặc lỗ)…
Được biết, các cơ quan chức năng đang xây dựng mô hình nuôi tôm theo công nghệ nano tại huyện Lệ Thủy, sau khi khảo nghiệm hoàn thành sẽ phát triển tại một số cơ sở nuôi tôm trên địa bàn.